Trung Quốc lo ngại dòng vốn “ồ ạt” tháo chạy

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Trung Quốc phát đi cảnh báo về nguy cơ dòng vốn “ồ ạt” chảy ra từ các thị trường mới nổi, do sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn.

Phát biểu trong Diễn đàn Quản lý Tài sản Toàn cầu tại Bắc Kinh mới đây, ông Liu Guiping, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cảnh báo, chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động.

"Tác động của COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong phân phối sản xuất toàn cầu. Ngoài ảnh hưởng của các cuộc tranh giành địa chính trị, các ngành công nghiệp của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực kép, khi các ngành dịch chuyển nhiều vào khu vực Đông Nam Á và quay trở lại các nước phát triển. Tình trạng thiếu chip và ngưng trệ chuỗi cung ứng đang đe dọa an ninh và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc”, vị Phó Thống đốc bày tỏ quan ngại.

Ông cũng xác định các mối đe dọa khác đối với nền kinh tế Trung Quốc như diễn biến ngày càng khó lường của đại dịch COVID-19; lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ; kể cả chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng có thể có tác động đến thương mại quốc tế.

Thông tin từ tờ South China Morning Post ghi nhận, Trung Quốc đã chứng kiến sự chuyển dịch lớn của các nhà máy đến các quốc gia có ưu đãi và chi phí rẻ hơn ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Cụ thể, giữa những lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng, Hoa Kỳ và Nhật Bản nằm trong số các quốc gia phát triển, đã cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc và mang lại nhiều việc làm hơn về nước mình. Đặc biệt, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, với mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được áp đặt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tạo thêm cơ hội cho các nước như Việt Nam và Mexico.

Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 cũng đã làm dấy lên suy đoán rằng, sự hấp dẫn ngày càng tăng của Đông Nam Á sẽ đẩy nhanh “lối thoát” cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất.

Theo đó, Hiệp định sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Là trung tâm chuỗi cung ứng của ngành chế tạo sản xuất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể dựa vào nền tảng RCEP để thúc đẩy dịch chuyển một bộ phận sản xuất sang các nước đang phát triển khác trong khu vực phù hợp với nhu cầu nâng cấp ngành công nghiệp của mình. Đồng thời, Trung Quốc còn có thể được hưởng lợi từ việc khu vực thương mại tự do liên tục mở rộng và xu hướng hội nhập của thị trường lớn, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giành thị phần lớn hơn trên thị trường giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh mối lo về chuỗi cung ứng, Phó Thống đốc PBoC cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn “ồ ạt” chảy ra từ các thị trường mới nổi, do sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn. Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 để kiềm chế lạm phát - một động thái mà các Ngân hàng Trung ương Anh hay Ấn Độ đã thực hiện và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang xem xét. “Việc tăng lãi suất có thể khiến tài sản bằng đồng Euro và Đô la Mỹ chảy ngược trở lại Mỹ và châu Âu, điều này có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu và gia tăng tác động lan tỏa đối với Trung Quốc”.

Để chuẩn bị cho một môi trường toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh, ông Liu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp năng lượng cho thị trường nội địa, một yếu tố chính trong chiến lược lưu thông kép của Trung Quốc. Ông cho rằng, chính sách này cần được mở rộng cũng như làm sâu sắc hơn với các chính sách tiền tệ phù hợp, để giúp Trung Quốc chuẩn bị cho việc tổng cầu trong nền kinh tế giảm, các cú sốc nguồn cung diễn ra và kỳ vọng tăng trưởng yếu hơn.

“Đất nước nên khai thác triệt để tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, cung cấp nguồn vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế, thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính có lợi hơn cho tăng trưởng thu nhập ở thành thị và nông thôn, khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng”, ông nói.

Còn theo Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn rằng, Trung Quốc đang tìm cách thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài bằng cách mở cửa hơn nữa, cải thiện môi trường pháp lý và đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài được đối xử đúng mực.