Trung Quốc lôi kéo Nepal vào Con đường tơ lụa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong tham vọng chiến lược xây dựng Vành đai kinh tế trên con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI khi kết nối Nepal với hành lang vận tải Á - Âu này.

 Dự án Một vành đai - một con đường (bao gồm Con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc). Nguồn: internet
Dự án Một vành đai - một con đường (bao gồm Con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc). Nguồn: internet
Tại cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác đầu tư và kinh doanh Nepal - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh tháng cuối cùng của năm ngoái, Kathmandu đã chính thức ký thỏa thuận bốn điểm ủng hộ việc thiết lập vành đai kinh tế con đường tơ lụa - một sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng - nhằm tăng cường sự kết nối trên bộ giữa châu Á với châu Âu, trong đó Trung Quốc là trung tâm.

Một quan chức Đại sứ quán Nepal tại Bắc Kinh nói rằng Nepal và Trung Quốc đã nhất trí khôi phục con đường tơ lụa cổ xưa, chạy từ khu vực Tây Tạng tới Kathmandu (Nepal) và Patna (Ấn Độ). Trung Quốc muốn kết nối với Nepal và Nam Á bằng cách mở rộng tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng.

Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Nepal mới đây, Bắc Kinh đã thúc giục Kathmandu sớm tiến hành nghiên cứu tính khả thi của các dự án để các tuyến đường sắt có thể được mở rộng đến Kathmandu và xa hơn nữa.   

Các nhà quan sát cho rằng các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự hội nhập kinh tế thế giới của Nepal. Khi các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc được hoàn thành, hàng hóa Nepal có thể quá cảnh sang các thị trường quốc tế thông qua hành lang vận tải Á - Âu. Nepal và Trung Quốc cũng đang hướng tới sự mở rộng các tuyến đường sắt từ Thủ đô Kathmandu tới Lumbini - địa danh hành hương nổi tiếng của người theo đạo Phật thuộc quận Rupandehi của Nepal.    

Để lôi kéo Nepal, Trung Quốc đã không ngừng rót tiền cho quốc gia Nam Á nhỏ bé này. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nepal Mahendra Bahadur Pandey tại Kathmandu cuối tháng 12 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẽ nâng viện trợ chính thức cho Nepal từ mức 24 triệu USD hiện nay lên 128 triệu USD trong năm 2015-2016; cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống điện trị giá 1,6 tỷ USD và xây dựng một Học viện Cảnh sát làm quà tặng đặc biệt cho Nepal.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẵn sàng mở rộng mạng lưới đường sắt từ Shigatse, Tây Tạng đến Nepal và xem xét tăng học bổng cho sinh viên Nepal. Đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Nepal trong năm 2015.    

Các thỏa thuận tại Katmandu có thể coi là một bước tiến mới trong tham vọng của Bắc Kinh kết nối hai châu lục. Hơn 50 quốc gia nằm dọc theo Con đường tơ lụa cổ đã lên tiếng bày tỏ sẵn sàng tham gia vào sáng kiến Một vành đai - một con đường nhằm thúc đẩy sự phát triển chung giữa Trung Quốc, châu Âu và châu Á.

Khái niệm này đã tạo ra một cơ hội mới để tiếp thêm sinh lực cho các mối quan hệ văn hóa và kinh tế từng được xây dựng thông qua Con đường tơ lụa cổ, và là cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi nhằm giúp các quốc gia cùng tồn tại hòa bình và cùng phát triển.

Lợi ích của chiến lược này khi được hiện thực hóa là hết sức to lớn, đó là hình thành hành lang kinh tế có chiều dài nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, với 4,4 tỷ dân, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tới 21.000 tỷ USD, lần lượt chiếm 63% và 29% dân số và GDP trên thế giới. Quan trọng hơn, các nước thuộc Một vành đai - một con đường được đánh giá là tràn đầy sức sống, phần lớn là thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, có khả năng vươn lên mạnh mẽ.

Ý tưởng xây Một vành đai - một con đường có ý nghĩa chiến lược sâu xa và tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Trọng điểm của Vành đai kinh tế trên con đường tơ lụa (hiểu đơn giản là con đường tơ lụa trên bộ) nhằm phát triển quan hệ với các nước Trung Á và Tây Á, còn Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI chủ yếu là để phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và Nam Á.

Phát triển tốt chiến lược này sẽ giúp Bắc Kinh xử lý được quan hệ với các nước Trung Á và Tây Á, có lợi cho việc xử lý các thế lực chủ trương đòi độc lập cho Tân Cương và củng cố an ninh khu vực miền Tây Trung Quốc.

Trong khi đó, nước này cũng xử lý được quan hệ với các nước Đông Nam Á và Nam Á, làm lắng dịu vấn đề Biển Đông và bảo vệ sự bình yên của biên giới phía Tây Nam của Trung Quốc. Giới phân tích nhận định nếu Bắc Kinh phát triển tốt Một vành đai – một con đường thì lợi ích là rất lớn, nhất là trong việc loại bỏ xung đột chiến lược và các cản trở trong hợp tác.