Trung Quốc phản ứng với WTO vì thua kiện vụ đất hiếm

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố lấy làm tiếc với báo cáo do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 26/3, trong đó phán quyết rằng một số nguyên liệu thô xuất khẩu của nước này không tuân thủ quy định về thuế và hạn ngạch xuất khẩu.

Trung Quốc phản ứng với WTO vì thua kiện vụ đất hiếm
Khai thác đất hiếm tại Trung Quốc. Nguồn: internet
Bộ phận pháp lý của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng bộ này đang đánh giá báo cáo trên và sẽ lựa chọn các biện pháp phù hợp với các nghi thức giải quyết tranh chấp của WTO.

Trước đó, tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)  đã đưa ra phán quyết chống lại quy định hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với đất hiếm, cũng như vonfram và molypden, msg được sử dụng như những thành phần thiết yếu của một loạt ngành công nghiệp châu Âu.

Phán quyết này phù hợp với những phán quyết trước đó về các nguyên vật liệu khác, theo đó WTO thấy rằng việc áp thuế xuất khẩu và hạn ngạch của Trung Quốc đã vi phạm các cam kết WTO của Trung Quốc và việc biện minh cho bảo vệ môi trường hoặc chính sách bảo tồn là không phải lý do thỏa đáng.

Phán quyết trên của ủy ban điều tra WTO đã ủng hộ những tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) và của hai nước đồng khiếu nại là Mỹ và Nhật Bản.

Phán quyết nêu rõ rằng không thể áp đặt hạn chế xuất khẩu với lý do bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, trong khi việc sử dụng trong nước đối với các nguyên vật liệu thô tương tự không bị giới hạn cho cùng một mục đích.

Các bên khiếu nại cũng như ban điều tra không phản đối quyền quyền đưa ra các chính sách môi trường và bảo tồn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm WTO xác nhận rõ chủ quyền của một quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên của mình không cho phép được sử dụng để kiểm soát thị trường quốc tế hoặc phân phối nguyên vật liệu thô toàn cầu. Một quốc gia thành viên WTO có thể quyết định mức độ hoặc tốc độ sử dụng nguồn tài nguyên của mình, song không thể giới hạn việc bán các nguyên liệu của mình để phục vụ ngành công nghiệp trong nước, tạo cho họ một lợi thế cạnh tranh hơn các công ty nước ngoài.

Phán quyết này đảm bảo việc tiếp cập không phân biệt đối xử với các nguyên vật liệu thô. EU tin rằng điều này là vì lợi ích của tất cả các thành viên WTO, kể từ các nước phát triển hay đang phát triển, đều dựa vào nhau đối với nguyên vật liệu thô và dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Trung Quốc hiện sản xuất hơn 90% đất hiếm của thế giới, nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, viễn thông và quốc phòng.

Các nguyên liệu liên quan đến trường hợp này là đất hiếm, vonfram và molypden, mà được sử dụng trong các ngành công nghệ cao, sản xuất ôtô và máy móc, hóa chất, sắt thép và các ngành công nghiệp kim loại màu.

EU, cùng với Mỹ và Nhật Bản, đã đưa ra vụ kiện giải quyết tranh chấp lên WTO hồi tháng 3/2012. Tham vấn ban đầu với Trung Quốc đã không mang lại kết quả nên WTO đã thành lập một ủy ban vào tháng 6/2012. Tất cả các bên có 60 ngày để kháng cáo đối với bản báo cáo của Ban Hội thẩm.