Trung tướng Tô Ân Xô thông tin về các vụ án FLC, Tập đoàn Phúc Sơn
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin kết quả điều tra vụ án xảy ra tại vụ án FLC và Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có một số tình tiết mới đáng chú ý.
Thông tin với báo chí về vụ án FLC, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Trịnh Văn Quyết là lập và ký khống hồ sơ góp vốn tại Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros, nâng khống 3.102 tỷ đồng (tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng).
Sau đó, đối tượng này đã hợp thức hóa hồ sơ để cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký lưu ký; từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.
Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đối tượng Trịnh Văn Quyết đã mượn giấy tờ cá nhân của 45 người thân trong gia đình để lập 20 công ty nhưng không hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, đối tượng này sử dụng danh tính phương thức mở 500 tài khoản chứng khoán để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán. Thủ đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/01/2022, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện hành vi thao túng, thu lợi bất chính khoảng 723 tỷ đồng.
Qua vụ án FLC, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, một số bài học được rút ra là: Còn thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp (tổ chức, cá nhân, tự khai) dẫn tới tình trạng khai khống, hợp thức hóa hồ sơ.
Cùng với đó, viêc kiểm soát mở tài khoản còn rất dễ dàng như nhờ người khác đứng tên, mở nhiều tài khoản, thao túng; Chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm; Thiếu kiểm soát mạng xã hội (1 số đối tượng lợi dụng hội nhóm lên hô hào, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển, thao túng); Chưa có quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư, thời gian trong giai đoạn chứng khoán bị thao túng.
Từ những bài học rút ra này, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp “bịt lỗ hổng” để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.
Liên quan tới vụ án Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, dư luận và báo chí đã đề cập đến Công ty này từ vài năm nay nhưng đến tháng 2/2024 cơ quan chức năng mới có thể làm rõ.
Theo thông tin ban đầu do cơ quan điều tra cung cấp, Công ty Phúc Sơn hoạt động từ năm 2007, chủ yếu xây lắp ở huyện. Công ty này bắt đầu vươn mình từ năm 2015 với nhiều công trình từ Bắc tới Nam. Đến nay, Công ty này có 21 dự án với với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
“Cơ quan điều tra bước đầu xem xét 2 dự án tại Vĩnh Phúc nhận thấy Công ty Phúc Sơn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai hệ thống tài chính, gây thiệt hại ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng và hiện Công ty này còn nợ rất nhiều tiền thuế. Nhiều dự án đã bán nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân hàng chục ngàn tỷ đồng”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, Người phát ngôn Bộ Công An cho biết, "lỗ hổng" nằm ở việc không kiểm soát hoạt động kế khai tài chính, để cho Công ty Phúc Sơn dù không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và thuế nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Bên cạnh đó là năng lực thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án.
“Tình tiết đáng chú ý tại vụ án này là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn mới học xong chương trình lớp 4. Nghèo vượt khó là tốt, là đáng khuyến khích nhưng trong quá trình làm giàu không được xâm phạm lợi ích chính đáng của Nhà nước và Nhân dân", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh và cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ, mở rộng điều tra vụ án.
Trước đó, ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.