Truyền hình trả tiền: “Giấc mộng bá vương”
Viettel, VNPT, FPT cùng đồng loạt xin cấp phép gia nhập “làng” truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi kiến nghị tới các cơ quan Trung ương không cấp phép thêm cho dịch vụ truyền hình cáp.
Với khoảng 20 triệu hộ gia đình, nhưng đến nay Việt Nam mới có khoảng 4,5 triệu thuê bao, chiếm hơn 22% thị phần truyền hình trả tiền. Đáng chú ý, “họ” nhà VTV đang chiếm tới 70% thị phần, trong đó SCTV và VCTV thống lĩnh đến 2/3. Mới đây, VCTV đã còn thực hiện thương vụ mua lại 51% vốn của công ty điện tử và truyền hình cáp Việt Nam (CEC), trước vốn là của VTC. Theo đó, khoảng 20.000 thuê bao của CEC cũng chảy về VCTV.
Cái lý có chân ?
Ngay khi các doanh nghiệp (DN) viễn thông xin cấp phép tham gia thị trường truyền hình trả tiền vào giữa năm 2012, Việt NamPayTV, VTV, VCTV và SCTV đã đồng loạt gửi kiến nghị tới các cơ quan Trung ương không cấp phép thêm với cái lí mà họ đưa ra là nếu cho phép đầu tư thêm một mạng cáp truyền hình mới sẽ tốn kém hàng nghìn tỉ đồng, hiệu quả sử dụng thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, mất mỹ quan đô thị...
Riêng VTV còn phản biện việc Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp bằng lý do: Nhà nước đang có chủ trương không để các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành. Ngoài ra, họ còn cho rằng, tốc độ phát triển thuê bao mới trong thời gian qua đang có xu hướng chậm lại do truyền hình vệ tinh của VSTV (K+), VTC, HTV, AVG đã phủ sóng cả nước, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của các tầng lớp nhân dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa...
Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam bồi thêm đề nghị đưa Viettel vào danh sách phải “ngăn sông cấm chợ” không cho cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Lí do để đòi “cấm cửa” Viettel được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đưa ra là thị trường truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, nếu Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn tiếp tục cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel sẽ là quyết định sai bởi việc cấp phép cho Viettel không đúng quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Lãnh đạo Hiệp hội viện dẫn: Hiện nay, tổng số đơn vị truyền hình trả tiền đang có trên thị trường là 67 đơn vị (55 đơn vị truyền hình cáp, 2 đơn vị truyền hình số mặt đất, 3 đơn vị truyền hình vệ tinh, 3 đơn vị truyền hình Internet, 4 đơn vị truyền hình cáp số). Bản thân Viettel cũng đang vận hành đơn vị cung cấp truyền hình Internet là NetTV thì tại sao Viettel lại dứt khoát phải bỏ ra chi phí nhiều ngàn tỉ đồng để đầu tư mới sang hạ tầng truyền hình cáp?
Vì thế độc quyền
Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FPT, nếu không cho DN viễn thông nhảy vào lĩnh vực này mới thực sự gây tốn kém cho xã hội. Bởi, khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một đường cáp, nếu DN chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó sẽ không thể tồn tại được. Ông Bình cho rằng, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay, các hãng công nghệ có đầy đủ điều kiện để nắm bắt các công nghệ truyền hình mới để cung cấp cho người dùng với mức giá tối ưu nhất. Ngược lại, các đài truyền hình chỉ mạnh về làm nội dung chứ không thể cập nhật xu hướng công nghệ nhanh bằng các hãng hạ tầng, viễn thông. Không cho các hãng viễn thông, công nghệ khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền là lãng phí tài nguyên, nguồn lực một cách đáng tiếc.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thật lạ khi lĩnh vực truyền hình trả tiền lại có thể độc quyền.
Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, đến thời điểm hiện nay, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến các hộ gia đình trung bình là cách khoảng 350m, sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200m, thậm chí chỉ còn 100m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát mỗi gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể lan đến vùng sâu, vùng xa.
Bày tỏ sự ngạc nhiên trước lý lẽ mà lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra, ông Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho rằng, tuy thị trường này có nhiều DN, nhưng VTV lại chiếm tới hơn 70% thị phần thì đương nhiên thị trường này là độc quyền theo Luật Cạnh tranh. Sau 9 năm phát triển, thị trường này mới có khoảng hơn 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số hơn 80 triệu dân. Ông Trực đã lưu ý đến bài học của lĩnh vực viễn thông. Thị trường này đã lột xác khi mở cửa cho Viettel vào cạnh tranh. Người dân đã được sử dụng dịch vụ bình dân với mức cước thuộc diện rẻ nhất thế giới.
Hơn nữa, cũng theo ông Trực, các DN viễn thông nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp không phải là đầu tư ngoài ngành. Bản chất việc các DN viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của các DN này. DN viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua.
Đánh giá chung về thị trường, ông Phạm Khắc Lãm - nguyên Tổng Giám đốc VTV nhận xét, theo tính toán, nếu tỉ lệ được cho là bão hòa phải ở mức 60%, thì “miếng bánh” này còn đến 35% cho các nhà đài.
Đằng sau kiến nghị
Thực tế hiện nay những công ty truyền hình cáp như VCTV, SCTV... đang là những đơn vị cung cấp dịch vụ lâu và sử dụng công nghệ cũ. Trong khi đó, Viettel, VNPT và FPT Telecom là đơn vị đi sau có điều kiện áp dụng công nghệ mới như truyền hình độ nét cao theo chuẩn HD và xem theo yêu cầu. Một trong những thế mạnh của Viettel, VNPT và FPT Telecom là đã quen với việc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường viễn thông và Internet. Những DN này vừa cung cấp dịch vụ nhưng cũng đồng thời là DN có hạ tầng truyền dẫn. Vì vậy, họ có lợi thế về khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng cao.
Mới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề mà Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra. Văn bản của Bộ Thông tin & Truyền thông khẳng định không có chuyện thị trường này đang bão hòa. Hiện tỉ lệ hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này rất thấp, mới đạt tỉ lệ 20% hộ dân, chủ yếu ở vùng thành thị, 80% còn lại tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa sử dụng dịch vụ này. Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, việc triển khai công nghệ truyền hình cáp số cần phải có lộ trình. Nếu quy định các DN phải triển khai áp dụng công nghệ cáp số ngay thì sẽ tiếp tục ngăn cản người dân tiếp cận dịch vụ truyền hình trả tiền do truyền hình cáp số đòi hỏi mỗi tivi phải đi kèm một đầu thu với giá khoảng 1,5 triệu đồng để thu tín hiệu truyền hình. Nếu mỗi hộ có 3 tivi thì con số này sẽ là 4,5 triệu đồng/hộ chỉ để mua đầu thu giải mã tín hiệu. Như vậy, với 80% số hộ dân còn lại, sẽ khó có thể tiếp cận với dịch vụ này do chi phí cao.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh.
Chuyện Việt NamPayTV gây áp lực ngăn cản các DN viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền hiện nay giống như câu chuyện của thị trường viễn thông những năm trước. Liệu truyền hình trả tiền có được sự bùng nổ như thị trường viễn thông khi có Viettel “tham chiến”?
Một trong những định hướng phát triển đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền là sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền hiện có, đặc biệt là truyền hình cáp tương tự nhằm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải. Thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020.
Việc ra đời Hiệp hội truyền hình trả tiền chưa chắc đã mang đến toàn điều tốt đẹp cho hoạt động này. Nếu hiệp hội hoạt động kém hiệu quả, trong trường hợp nguy hiểm nhất là bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì tình hình có khi còn tồi tệ hơn so với lúc hiệp hội chưa ra đời.
Tuy có tới hàng chục đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng thị trường này ở Việt Nam vẫn manh mún, chủ yếu là đơn vị có quy mô nhỏ. Sự lộn xộn của các DN truyền hình trả tiền còn nằm ở chỗ nhiều đơn vị “bắt tay ngầm” trong việc cung cấp dịch vụ. Có không ít trường hợp DN truyền hình trả tiền đã hợp đồng với tòa nhà để độc quyền cung cấp dịch vụ, ngăn chặn sự có mặt của các DN khác. Bộ Thông tin & Truyền thông hết sức phản đối vấn đề này vì chính việc cạnh tranh sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng.