TS. Cao Sĩ Kiêm: Nghị quyết 02 khá toàn diện!
Chính phủ chính thức công bố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng những chính sách này sẽ là “chiếc phao cứu sinh” của họ trong tình tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về tính “đi vào cuộc sống” ở một số giải pháp của Nghị quyết này.
PV: Xin ông đánh giá về Nghị quyết 02 mà Chính phủ vừa ban hành?
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa
Tôi thấy những hệ thống, giải pháp của Nghị quyết 02 là khá toàn diện, ngoài định tính ra thì có định lượng rất rõ và nó tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, kể cả về tài chính, xây dựng, thương mại, đầu tư…
Tôi cho rằng, đó là những vấn đề rất “trúng” của DN hiện nay. Tất cả đều đang được DN mong đợi và hờ đợi triển khai đồng loạt.
PV: Có ý kiến cho rằng, những vấn đề trong Nghị quyết 02 như: giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho DN… sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách và không đúng với đối tượng DN, hoặc chưa đủ liều lượng?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Tất nhiên là trong tình hình hiện nay, những vấn đề khó khăn đó chúng ta lo ngại là đúng. Nhưng tôi cho là đã có một sự cố gắng của Chính phủ khi thực hiện những giải pháp đó. Phải ý thức rằng, chúng ta không thể nào giải quyết hết mọi vấn đề và phải chấp nhận hy sinh nếu có những tác động ngược chiều. Ví dụ như: giãn, hoãn thuế thì việc thu thuế phải thấp đi, hay vấn đề giải quyết tín dụng cho những đối tượng ưu tiên thì phải bù đắp, khoản bù đắp đó có thể lấy từ ngân hàng thương mại ra hoặc có thể Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng bù lại chúng ta có được thành quả rất lớn, đó là có thể tạo ra một nền kinh tế ổn định, khả năng tạo ra nguồn thu ngân sách tốt hơn vào những năm sau. Khi kinh tế phát triển thì tín dụng ngân hàng lại được nâng lên. Có thể trước mắt phải chấp nhận giảm sút về nguồn thu ngân sách, nhưng năm sau sẽ gặt hái được những kết quả do những chính sách tạo ra, kể cả trong ngân sách và kể cả trong tín dụng.
PV: Thời gian tới lo ngại sẽ có điều chỉnh về điện, than, xăng dầu… có thể sẽ có những tác động ngược lại với chính sách, thưa ông?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Chúng ta đang trên đường đi tới dần và đi sát hơn với kinh tế thị trường, cho nên cũng có thể có một số chi phí tăng lên, nên giá cũng có thể điều chỉnh nhanh hơn và kiên quyết hơn, nhưng rút kinh nghiệm những năm qua phải có phân bổ về tăng giá như thế nào cho hợp lý. Về một số lọai phí gây khó khăn thêm cho DN thì chúng ta phải tiến hành quản lý và tăng những phí nhất định theo quy luật kinh tế thị trường. Phải làm sao để phân bổ đồng đều và không trùng việc tăng giá nhiều mặt hàng vào 1 thời điểm, ví dụ như tháng 9/2012 vừa rồi, chúng ta tăng cùng một lúc học phí, viện phí, nên đẩy CPI lên rất cao.
PV: Cùng với các chính sách của Chính phủ, DN nên triển khai như thế nào, thưa ông?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi, đây là thời điểm tốt nhất để DN hành động, nhất là DN nhỏ và vừa vì Nghị quyết 02 có nhiều chính sách mới, cụ thể và khá đồng bộ các lĩnh vực. DN trên yếu tố phân tích những thế mạnh, tiềm năng của mình để có thể khai thác những mặt tích cực, phù hợp của chính sách đối với từng DN. Đồng thời, chúng ta phải hành động triển khai để DN tiếp thu chính sách sao cho có hiệu quả với DN.
PV: Trong bối cảnh khó khăn này, xin ông cho biết, DN có những giải pháp như thế nào về thị trường, về sản phẩm…?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Về thị trường, phải tìm kiếm thị trường phù hợp và với hàng hóa phải làm sao cho chi phí giảm thấp nhất, để giá thành hợp lý nhất, cộng với chi phí, mẫu mã được cải thiện lên. Sau đó, có phương pháp hợp lý hơn về dự trữ, phân phối, lưu thông… Tôi cho là hữu ích nếu như DN nhận ra được vấn đề này, theo phương pháp này.
PV: Hiệp hội DN nhỏ và vừa với chức năng của mình đã hỗ trợ như thế nào cho DN?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Về phía Hiệp hội DN nhỏ và vừa, chúng tôi với chức năng là Hiệp hội xã hội nghề nghiệp, là nơi tập trung phản ánh, tập hợp những ý kiến, khó khăn mà DN phản ánh lên các cấp lãnh đạo.
Có thể thấy, năm nay, Chính phủ đã chủ động khi đưa ra những chính sách khá toàn diện nên chúng tôi cũng sẽ cố gắng giải thích, chỉ dẫn những nội dung này để cho DN hiểu được. Rồi từ đó triển khai nhanh, thông qua những hoạt động của Hiệp hôi, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn đồng thời, để triển khai chính sách. Và hướng tới cơ sở DN để có những tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN. Trong năm 2013, Hiệp hội sẽ triển khai đầu năm trên toàn quốc về những vấn đề cần lưu ý triển khai cả về nội dung và về lộ trình thực hiện những chính sách của Chính phủ.
PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề, vậy thì nguồn lực cần phải được phân bổ ra sao cho hợp lý?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Tất cả những điều đó nếu được thực hiện tốt và đồng bộ thì nó sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ như phân bổ lại vốn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. Riêng việc phân bổ nguồn lực của năm nay thì chủ trương là giảm nhanh đầu tư công, chuyển dòng vốn từ những dự án thiếu hiệu quả cho DN nhỏ và vừa, khu vực tư nhân hay vốn đầu tư cho những khu vực ưu tiên như: DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp nông thôn và DN công nghệ cao.
Đó là những biện pháp mà trong bối cảnh nguồn lực ít thì chúng ta chọn, phân bổ như thế nào cho hợp lý, chọn những DN nào có khả năng tăng sức mua, tăng thu ngân sách, hay những phân bổ dự án mà sử dụng nhiều lao động, khả năng hoàn thành nhanh, tuy vốn ít nhưng đưa vào đúng lúc, đúng chỗ nên có khả năng làm nhanh thì phát huy hiệu quả nhanh. Đó là cách phân bổ vốn, điều hòa trong tình hình nguồn lực hiện nay. Nếu chúng ta có quyết tâm chỉ đạo, có nội dung chọn lựa một cách thích đáng thì vẫn phát huy được trong điều kiện hạn hẹp.
PV:Thưa ông, vừa rồi đã có nhiều DN nhỏ và vừa hấp thụ và triển khai tốt vốn vay chưa?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Nói chung là việc DN hấp thụ vốn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Lãi suất tuy hạ nhiều lần nhưng vẫn còn cao do phụ thuộc vào lạm phát, mà hiện nay lạm phát vẫn cao. DN Việt Nam hiện nay làm ăn dựa trên vốn vay từ ngân hàng là chủ yếu, hiệu quả kinh tế quản lý thấp, nên khả năng tạo ra lợi nhuận vẫn còn hạn chế. Nên lãi suất dù có giảm xuống năm nay (lạm phát kỳ vọng năm nay là 6-6,5%) thì DN trả được lãi suất 13-14% cũng là khó.
Quan trọng nhất với DN là tính hiệu quả chưa cao nên khả năng vay vốn, tiếp cận vốn không phải đơn giản. Khi chỉ đạo nên phân tích những yếu tố đó để tránh việc phân tán nguồn lực.