Tư duy “ăn xổi” đang làm khó nông sản Việt
Vấn đề quan trọng là phải thay đổi toàn diện và sâu sâu sắc lối tư duy “ăn xổi” chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt-vốn được nhìn nhận là căn nguyên khiến nông dân trì trệ trong chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, trọng chất hơn lượng.
Nhiều năm nay, tỉnh Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn) cho hàng loạt các mặt hàng nông sản: rau, trái cây, sản phẩm chăn nuôi... Tuy nhiên, phong trào sản xuất VietGAP, GlobalGAP khi bắt đầu thì khá rầm rộ, thu hút đông đảo nông dân tham gia, rồi dần dần… im hơi, lặng tiếng! Thậm chí, nhiều vùng GAP không được tái chứng nhận và hầu như không có mấy thương hiệu hay sản phẩm tạo được uy tín trên thị trường.
Một chủ DN cung cấp bưởi sạch ở Đồng Nai cho biết, lần đầu làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông dân được nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Nhưng sau đó, hầu hết nông dân không thực hiện việc tái chứng nhận. Điều đáng buồn hơn là không ít vườn bưởi trong vùng sản xuất theo hướng GAP xuất hiện tình trạng cây bị suy kiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ vườn đã bỏ quy trình sản xuất sạch, chạy theo lợi nhuận, lạm dụng phân thuốc để ép cây cho sản lượng cao.
Trong ngành chăn nuôi cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi chương trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăn nuôi được triển khai nhiều nơi nhưng nông dân rất thờ ơ. Chính điều này đã tạo rào cản trong ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.
Một lãnh đạo của huyện Thống Nhất, địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai cho biết, chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mới quan tâm đến việc sản xuất thịt heo có nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng; còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn rất thờ ơ với việc này. Cùng với đó, chỉ khi được nhận hỗ trợ từ các chương trình về nông nghiệp sạch thì người chăn nuôi mới cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác; Còn thông thường, họ tránh né hoặc cung cấp thông tin không chính xác nên rất khó trong quản lý tổng đàn heo. Theo đánh giá của ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), chăn nuôi Việt Nam phát triển nhanh nhưng người chăn nuôi quá nóng vội và chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt nên hay xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh, chất cấm gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
Mới đây, đầu tháng 5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, DN xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân liên quan, về việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm một số mặt hàng nông sản. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của Nhật đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam. Với vi phạm trên, phía Nhật dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của các công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng chủng loại từ Việt Nam.
Cụ thể, rau ngò gai (mùi tàu) tươi sẽ bị kiểm tra 100% các chỉ tiêu về chlorpyrifos, cypermethrin, profenofos, hexaconazole; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, thanh long tươi bị kiểm tra 30% về một số chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật. Nhật Bản là thị trường lớn thứ 4 của rau quả xuất khẩu Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc) với kim ngạch khoảng 114 triệu USD trong năm 2018. Việc Nhật siết chặt nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sẽ khiến lượng xuất khẩu giảm sút. Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Nhật, tránh gây thiệt hại về kinh tế và uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Vấn đề quan trọng là phải thay đổi toàn diện và sâu sâu sắc lối tư duy “ăn xổi” chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt-vốn được nhìn nhận là căn nguyên khiến nông dân trì trệ trong chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, trọng chất hơn lượng.