Những FTA thế hệ mới và cơ hội cho xuất khẩu nông sản
Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Lần đầu tiên chúng ta đã vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia Hiệp định Thương mại Tự do của ASEAN (AFTA), Việt Nam đã tiếp tục đàm phàn, ký và thực hiện 12 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đa phương, khu vực và song phương. Những FTA thế hệ mới như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều cam kết có lợi
Theo Bộ Công thương, vào giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, Việt Nam chủ yếu tham gia các FTA giữa khối ASEAN với các đối tác (bắt đầu là Trung Quốc vào năm 2004 và tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Ðộ). Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, chúng ta đã có định hướng rõ ràng, chuyển sang chủ động đàm phán FTA với các thị trường nhận thấy có lợi và có khả năng thực thi cao. Xu hướng này bắt đầu với FTA Việt Nam - Nhật Bản và tiếp đó là các FTA với Chi-lê, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, EVFTA cũng đã kết thúc đàm phán và đang trong quá trình chuẩn bị cho ký kết.
Quá trình tham gia các FTA cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA là chiến lược hết sức đúng đắn, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm. Những FTA thế hệ mới đang đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.
Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký và thực thi các FTA, nhất là FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường nào đó. Với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế.
Tại thị trường Ca-na-đa, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan; xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xóa bỏ thuế quan được 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ; Chi-lê xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Pê-ru xóa bỏ thuế đối với tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.
Dự kiến sau khi có hiệu lực EVFTA sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng bảy đến 10 năm. Ðây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực như cà-phê (hiện có mức thuế cơ sở là 0 đến 11,5%); hạt tiêu (0 đến 4%); mật ong tự nhiên (17,3%)... EU đang là thị trường đứng thứ hai về xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như cà-phê, hạt điều và tiêu.
Ðối với các sản phẩm rau - củ - quả, rau - củ - quả chế biến, nước quả của Việt Nam, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan; mặt hàng gạo tấm xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình; sản phẩm từ gạo hạt cũng sẽ được EU đưa về mức thuế 0% trong vòng bảy năm.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ, 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình từ ba đến bảy năm. Thủy sản xuất khẩu được hưởng thuế suất theo cam kết trong EVFTA thay vì thuế GSP như trước sẽ mang lại nhiều lợi ích bởi thuế suất trong EVFTA dành cho đại đa số các sản phẩm xuất khẩu trong khi GSP chỉ dành cho một vài loại sản phẩm nhất định.
Cơ hội mới cho xuất khẩu
Ðến nay, nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Với việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Các loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào CPTPP là gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số ít bạn hàng lớn trong CPTPP. Tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mê-hi-cô, Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi đã ký CPTPP, một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.
Ðối với thị trường EU, sau khi EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia, bởi thuế các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ chỉ ở mức 0% trong vòng bảy năm.
Những ưu đãi về thuế quan trong EVFTA sẽ mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU, qua đó mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và bảo đảm tuân thủ các cam kết để phát huy tốt nhất những lợi thế, tiềm năng của đất nước về nông nghiệp.