Tự làm nước rửa tay diệt khuẩn tại nhà
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là một trong những cách hiệu quả giúp mỗi người chủ động phòng tránh vi khuẩn, virus từ môi trường ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, các mặt hàng như nước rửa tay sát khuẩn trở nên khan hiếm trên thị trường. Thay vì xếp hàng chờ mua nước rửa tay, mỗi người nên thử làm sản phẩm này tại nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Dưới đây là công thức làm nước rửa tay diệt khuẩn tại nhà do tiến sĩ Đào Anh Quang – Trưởng Khoa Công nghệ Hóa – Môi trường, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế – hướng dẫn.
Dụng cụ:
- Một chiếc ly lớn dung tích 1 lít, chất liệu bằng thủy tinh (hoặc sứ hoặc nhựa) có chia thể tích.
- Một dụng cụ khuấy trộn, có thể dùng thanh khuấy bằng gỗ, nhựa hoặc kim loại.
- Một bình đựng 1 lít hoặc hai bình đựng 500ml, có đầu xịt giọt.
- Một chai thuốc nhỏ mắt rỗng.
Chuẩn bị:
- Một lít cồn 96 độ (cồn y tế hoặc cồn thực phẩm). Lưu ý: không sử dụng cồn công nghiệp.
- Bảy chai nước oxy già 10 thể tích (3%) 60ml (sử dụng để ức chế các bào tử vi khuẩn nhiễm vào, không phải là một hoạt chất sát trùng tay).
- Chất giữ ẩm Glycerin (Glycerol) – chất này có thể mua ở hiệu thuốc hoặc có thể sử dụng các chất chăm sóc da khác như gel nha đam hoặc mật ong.
- Nước sạch: dùng nước lọc hoặc nước nấu sôi để nguội.
- Một ít tinh dầu tràm hoặc tinh dầu sả (tùy ý thích).
Thực hiện:
- Bước 1: Cho cồn 96 độ vào ly thủy tinh đến ngang vạch 0,8 lít.
- Bước 2: Cho từ từ sáu chai nước oxy già 10 thể tích (3%) 60ml vào ly thủy tinh, vừa cho vừa khuấy đều.
- Bước 3: Dùng chai thuốc nhỏ mắt rỗng để đong hai lần Glycerin (chất dưỡng da). Đong đầy lần thứ nhất và đong một nửa lần thứ hai để được một lượng là 15ml Glycerin cho vào ly thủy tinh thành phẩm.
- Bước 4: Cho thêm nước sạch vào ly thủy tinh đến khi được một lít hỗn hợp; sau đó khuấy đều dung dịch và cho vào bình đựng để sử dụng. Nên giữ bình dung dịch rửa tay tránh ánh nắng trực tiếp, tránh nguồn nhiệt.
l Lưu ý: Có thể cho thêm vài giọt tinh dầu tràm hoặc tinh dầu sả để có mùi thơm như ý. Tuy nhiên, tinh dầu sẽ khó tan, nên khi pha tinh dầu thì nên cho vào cồn 96 độ để hòa tan tinh dầu trước khi thêm các thành phần khác.
Chúng ta cần rửa tay khi nào?
Khi tay có vết bẩn; trước, trong, và sau khi nấu ăn; trước khi ăn; trước và sau khi điều trị vết thương; trước và sau khi chăm sóc người ốm; sau khi đi vệ sinh; sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi; sau khi thay tã hoặc vệ sinh cho trẻ đã sử dụng nhà vệ sinh; sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải động vật; sau khi chạm rác.
Các bước rửa tay giúp loại bỏ các vi sinh vật có hại trên bàn tay. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay giúp giảm 23 – 40% số người mắc bệnh tiêu chảy; giảm 58% bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu; giảm 16 – 21% các bệnh về đường hô hấp, như cảm lạnh, trong dân số nói chung; giảm 29 – 57% tỷ lệ trẻ em phải nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa…
Tuy nhiên, chỉ rửa tay không là chưa đủ, mỗi người cần rửa tay đúng lúc và đúng cách. Các bước rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế bao gồm:
Bước 1: Làm ướt tay bằng nước sạch. Bơm từ 3 đến 5ml dung dịch nước rửa tay hoặc chà bánh xà phòng vào lòng bàn tay, sau đó chà hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Chà ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa lại tay bằng nước sạch và lau khô.