Từ ngày 1/11: Thay đổi cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu
(Tài chính) Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có một số thay đổi trong cơ cấu tính chi phí cấu thành nên giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí về tỷ giá và lợi nhuận kinh doanh định mức.
Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Thông tư liên tịch này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2014, là ngày Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư liên tịch này.
Tỷ giá tính giá CIF và tỷ giá tính thuế
Theo dự thảo, công thức tính giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu về cơ bản vẫn như cũ.
Cụ thể: Giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Một thay đổi nhỏ trong cơ cấu tính giá CIF là giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc, thay vì 30 ngày như hiện hành. Nội dung này cũng đã được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu là ở tỷ giá ngoại tệ và chi phí kinh doanh xăng dầu định mức.
Khác với công thức hiện hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP chỉ tồn tại một tỷ giá, dự thảo Thông tư liên lịch hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP chia tỷ giá thành hai loại: tỷ giá ngoại tệ để tính giá CIF và tỷ giá tính thuế.
Theo đó, tỷ giá ngoại tệ để tính giá CIF là tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Tỷ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Tăng chi phí kinh doanh định mức xăng và hai mặt hàng dầu
Một thay đổi lớn nữa trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu là ở chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Đây là chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý) để tính giá cơ sở.
Theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP hiện hành, chỉ tồn tại duy nhất một mức chi phí định mức kinh doanh chung để tính giá cơ sở áp dụng cho các mặt hàng xăng, dầu. Nhưng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định mới thay thế lại chia nhỏ định mức chi phí kinh doanh thành 3 loại khác nhau.
Cụ thể, mức tối đa với chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng đã được nâng từ 860 đồng/lít như hiện tại lên mức 1.050 đồng/lít (cao hơn 190 đồng/lít). Trong khi, chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu hỏa, dầu điêzen tối đa theo cách tính mới là 950 đồng/lít (cao hơn 90 đồng/lít). Riêng dầu madut, chi phí kinh doanh định mức lại được điều chỉnh giảm 260 đồng/kg, chỉ còn ở mức tối đa là 600 đồng/kg.
Trong đó, chi phí kinh doanh định mức với mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; đối với dầu madut là chi phí bán buôn.
Một cán bộ là thành viên ban soạn thảo dự thảo Thông tư cho biết, việc tách các chi phí riêng như vậy nhằm tính đúng, đủ và sát thực tế đối với từng mặt hàng xăng, dầu, nhất là đối với mặt hàng xăng, vốn có khối lượng tiêu thụ áp đảo so với các mặt hàng dầu còn lại.
Theo tính toán ban đầu, với định mức chi phí kinh doanh mới này, riêng 2 khoản cho doanh nghiệp trong cơ cấu giá bao gồm chi phí định mức (1.050 đồng mỗi lít xăng) và lợi nhuận định mức (300 đồng mỗi lít xăng), nếu tính theo giá xăng cơ sở hiện hành đã tương đương khoảng 5,9% giá cơ sở (22.891 đồng).
Trước đó, đề xuất tăng chi phí định mức liên tục được các doanh nghiệp xăng dầu đặt ra khi cơ quan chức năng sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Lãnh đạo của Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, chi phí định mức đối với doanh nghiệp chỉ ở mức 860 đồng mỗi lít là quá thấp so với thực tế.
Con số này phải tăng 250-300 đồng mới có thể bù đắp chi phí. Bởi nếu tính tiền khấu hao thiết bị, điện nước, đồng phục, mức hao hụt thì một cửa hàng bán lẻ xăng dầu mỗi tháng phải chi khoảng 700 đồng cho mỗi lít xăng bán ra. “Nếu tính cả công vận chuyển, doanh nghiệp mất khoảng 120-160 đồng mỗi lít cho 100km. Bởi vậy, nếu đường vận chuyển dài, họ sẽ lỗ”, một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu cho hay.