Tư vấn pháp lý trong doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp vẫn… thờ ơ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Từ năm 2008 đến nay, trong môi trường kinh tế khó khăn, những rủi ro pháp lý trở nên hiện hữu với nhóm doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực như đất đai, thuế, thanh tra lao động, tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN này chưa có ý thức phòng ngừa rủi ro pháp luật.

Tư vấn pháp lý trong doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp vẫn… thờ ơ
Các DN vừa và nhỏ này chưa có ý thức phòng ngừa rủi ro pháp luật. Nguồn: internet

Tại Đại hội câu lạc bộ Pháp chế DN nhiệm kỳ III mới đây, ThS. Đặng Thị Tuyết, Trưởng ban pháp chế Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam cho biết, Công ty mẹ có bộ phận pháp chế độc lập và toàn bộ tập đoàn có hơn 100 cán bộ pháp chế. Hiện tập đoàn này có 60 công ty con và 22 đơn vị hạch toán phụ thuộc trong công ty mẹ. Do đó công tác pháp chế có vai trò quan trọng để đảm bảo hoạt động thông suốt và an toàn của tập đoàn. Tập đoàn đã triển khai đồng bộ công tác pháp chế từ công ty mẹ xuống công ty con...

Quan trọng nhất là bộ phận pháp chế đã tư vấn cho lãnh đạo DN phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với các giao dịch, thẩm định, tư vấn đối với dự thảo hợp đồng hoặc trực tiếp tham gia đàm phán.

Một đơn vị khác là liên doanh dầu khí Vietsovpetro, đơn vị này có tới 7.000 lao động và có bộ phận pháp chế độc lập từ 30 năm nay. Luật sư Trần Văn Bình, Trưởng phòng Luật Vietsovpetro chia sẻ, đối với xí nghiệp nhỏ, có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc văn phòng luật nhưng với DN lớn thì cần có bộ phận pháp chế riêng biệt, có như vậy mới đảm bảo tuân thủ pháp luật trong hoạt động của DN. Bộ phận này không chỉ thẩm định hợp đồng, xử lý khiếu nại, tranh chấp… mà còn tham gia nhiều mặt hoạt động như đảm bảo DN thực thi đúng pháp luật, không để xảy ra rủi ro, ban hành các văn bản quản lý nội bộ DN, công tác quản lý vật tư, tài sản…

Tuy nhiên, ThS. Đặng Thị Tuyết cũng cho rằng, công tác pháp chế nội bộ DN vẫn còn nhiều hạn chế như trình độ của cán bộ, dù là được đào tạo chuyên ngành luật, song phần đông là thuyên chuyển từ công tác khác sang.

Hơn nữa, nhiều DN gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin pháp luật, trong khi hệ thống pháp luật trong quá trình làm luật và sửa đổi quy định pháp luật liên tục có sự thay đổi dẫn đến DN khó cập nhật kiến thức pháp luật kịp thời, chuẩn xác.

Với DN vừa và nhỏ, công tác pháp chế còn nhiều hạn chế hơn khi các DN này chủ yếu thành lập từ năm 2000 trở lại đây trong thời kỳ mà Nhà nước ban hành rất nhiều văn bản pháp luật cho kịp với thông lệ WTO. Luật gia Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, khu vực này sử dụng 60% lao động và mỗi năm tăng thêm nửa triệu lao động... nhưng nhận thức pháp luật trong khối DN này còn nhiều mờ nhạt và là vấn đề đáng phải quan tâm như sự hiểu biết pháp luật quản trị DN còn yếu, nhân sự pháp chế thiếu.

Không chỉ thế, từ năm 2008 đến nay, trong môi trường kinh tế khó khăn, những rủi ro pháp lý trở nên hiện hữu với nhóm DN này trong nhiều lĩnh vực như đất đai, thuế, thanh tra lao động, tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN này chưa có ý thức phòng ngừa rủi ro pháp luật.

Ở góc độ khác, ông Đinh Việt Thanh, Pháp chế Tổng Công ty May 10 – Công ty cổ phần nhận xét, hiện nay DN bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật, có luật chỉ mới áp dụng vài năm đã không phù hợp thực tế. Đặc điểm này là do tiếng nói DN trong quá trình tham gia xây dựng luật còn hạn chế, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề chưa có tiếng nói trọng lượng trên diễn đàn xây dựng luật. Thực tế, DN gặp nhiều vướng mắc trong thực thi luật mà phổ biến nhất là mỗi tỉnh vận dụng một kiểu. Những vấn đề này cần phải được đúc kết để tham gia xây dựng pháp luật.

Từ thực tế trên, luật gia Tô Hoài Nam đề xuất: câu lạc bộ Pháp chế DN cần phối hợp chặt chẽ hơn với các hiệp hội trong đó có Hiệp hội DN vừa và nhỏ để ghi nhận những phản ánh của DN, từ đó góp ý công tác xây dựng chính sách, pháp luật để pháp luật đáp ứng thực tiễn hoạt động kinh doanh.