Tương lai thương mại điện tử thế nào?
(Tài chính) Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thương mại điện tử quốc gia, với nòng cốt là hệ thống thanh toán thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia tại địa chỉ keypay.gov.vn và các quy định quản lý thẻ thanh toán TMĐT tích hợp...
Dự báo tới năm 2020, thị trường bán lẻ trực tuyến khu vực Asean sẽ đạt tổng giá trị lên tới 21,8 tỷ USD, với khoảng 500 triệu người tham gia, trong đó khoảng 65% là người dưới 35 tuổi.
Đó đích thực là thị trường tiềm năng cho những doanh nghiệp (DN) giàu khát vọng, và cũng là thách thức với các cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan quản lý phía Việt Nam.
“Xây” để quản
Thực tế, giữa năm 2014, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý đối với hoạt động TMĐT. Kết luận được rút ra là, việc quản lý hoạt động này cần là kết quả phối hợp của nhiều cơ quan chuyên ngành, với nòng cốt là cơ quan quản lý ngành thông tin truyền thông và ngành công thương…
Gần nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47 ngày 5/12/2014 quy định về quản lý website TMĐT. Đây là thông tư đầu tiên của Việt Nam quy định đầy đủ và chỉ điều chỉnh các hoạt động bán hàng qua mạng.
Đồng thời với đó, Bộ Công Thương cho biết đang triển khai xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia tại địa chỉ keypay.gov.vn, bộ này cùng tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến để ban hành các quy định quản lý thẻ thanh toán TMĐT tích hợp…
Như vậy, có thể thấy Việt Nam đang tiến khá chắc trong nỗ lực quản lý hoạt động TMĐT, cả về quy định và cả về định hướng thị trường, vận hành thực tế. Đó là lựa chọn đúng đắn, nếu biết rằng ngay với các DN, thì ý thức về TMĐT còn khá… tù mù.
Tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng trên 144.000 tên miền websites, với khoảng gần 86.000 tên miền đã hoạt động. Trong đó, có đến gần 80.000 websites thương mại. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2% số websites thương mại này là đã đăng ký, 98% số còn lại là website thương mại… chui.
Còn tại Long An, Sở Công Thương tỉnh này phát ra 200 phiếu thăm dò ý kiến về TMĐT tới các DN, nhưng chỉ có 40 phản hồi trở lại. Các tỉnh thành khác thì thậm chí còn chưa tiến hành thống kê số websites TMĐT trên địa bàn.
Tại Hà Nội, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thành phố có khoảng 1.000 địa chỉ mua sắm ngành hàng bán lẻ. Các địa chỉ bán lẻ này vẫn chưa số hóa được các sản phẩm, giá cả, dịch vụ của mình. Ông Phú hy vọng những nhà bán lẻ của Hà Nội có thêm sự chú ý tới loại hình kinh doanh TMĐT, bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, đó là nhận định sai lầm. Trong tư cách là 1 trong 2 trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, các loại cửa hàng sử dụng hình thức bán hàng trực tuyến tại Hà Nội thực tế đang nở rộ như “nấm sau mưa” và đối tượng tham gia vào loại hình mua bán trực tuyến của Hà Nội hiện không thể thống kê nổi về số lượng. Mặt khác, khá nhiều siêu thị, cửa hàng lớn tại Hà Nội đều đã có bộ phận bán hàng trực tuyến.
Thời thế đã thay đổi?
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, ngành bán lẻ thế giới đã có những biến động dữ dội. Thực tế là, hiện những “tên tuổi” bán lẻ lớn nhất thế giới đều đã là những DN kinh doanh TMĐT.
Giá cổ phiếu của các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba, Amazon, Ebay… hiện là hàng “hot” trên thị trường chứng khoán. Trong năm 2013, 2014, 2 thương vụ IPO lớn nhất thế giới là Facebook và Alibaba, với giá trị lên tới hàng chục tỷ USD, đều liên quan tới TMĐT.
Chưa bao giờ thương mại thế giới chứng kiến sự xuất hiện nhiều đến thế của những DN nhỏ về tuổi đời, nhưng lớn rất nhanh về giá trị thương mại. Đó là Facebook, Google, Alibaba, Amazon, Ebay.
Điểm chung của những DN này là đều chỉ mất vài năm để đưa giá trị thị trường của mình lên hàng chục tỷ USD, trong khi những thương hiệu bán lẻ truyền thống như Unilever, Wall Mart, P&G… phải mất hàng chục năm hoạt động mới đạt được giá trị này.
Và do thế, sẽ không quá lời khi nói TMĐT đang là tác nhân lớn nhất thay đổi phương thức bán hàng truyền thống. Bản thân mô hình bán lẻ qua bưu điện, qua thư đặt hàng không phải là mới, vì các DN tại các nước phát triển đã áp dụng hình thức này từ lâu, có thể liệt kê tên những nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Dell, IBM, Microsoft… Nhưng TMĐT chỉ thực sự phát triển, khi được tiếp sức và thúc đẩy bởi sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu.
Từ đây sẽ thấy, là một trong những quốc gia được đánh giá là có tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông hàng đầu thế giới và đang hội nhập rất nhanh vào kinh tế thế giới, tương lai của TMĐT của Việt Nam sẽ còn phát triển rất nhanh, hơn hẳn hiện tại.
Thực tế, hiện phần lớn những nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Metro, BigC, FPT, Citimax… đều đã có bộ phận xúc tiến, hoặc bán hàng trực tuyến. Nhưng rõ ràng là các DN này hiện chịu cạnh tranh gay gắt từ các loại hình bán lẻ trực tuyến qua website hay mạng xã hội.
Theo giám đốc một DN siêu thị, từ 2 năm qua, DN này đã thành lập một công ty con, chuyên khai thác và kinh doanh bán lẻ trực tuyến. “Doanh số bán hàng của Công ty này, với thương hiệu của DN chúng tôi, đã tăng trưởng khá tốt, hiện đã chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán hàng của chúng tôi”, giám đốc này cho biết.
Từ đây, DN siêu thị đã thuê tư vấn nước ngoài thiết kế website, bộ nhận diện thương hiệu, phương án bán hàng trực tuyến, và dự kiến sẽ đầu tư khoảng hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động này, không bao gồm tiền đầu tư hàng hóa.
Đâu có riêng DN này, mà hàng loạt tên tuổi lớn khác đều đang phải tự thay đổi mình, để phù hợp với xu thế thương mại mới. Nhưng vấn đề là ở chỗ, để thay đổi sang phương thức bán hàng mới được thành công, chỉ riêng mình nhà bán lẻ, hay DN cung cấp hạ tầng viễn thông là vẫn chưa đủ.
Từ rất lâu, vẫn chưa có một chiến lược giữa các nhà sản xuất trong nước và nhà bán lẻ trong nước được xác lập, được khuyến khích vận hành thực tế. Bán lẻ trong nước vẫn tồn tại như là thực thể độc lập với sản xuất trong nước. Trong xu thế thay đổi phương thức bán hàng chung, ngành bán lẻ vẫn loay hoay chưa tìm được chỗ đứng vững chắc, thì sản xuất trong nước không biết phải “tựa” vào đâu để phát triển.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương
TMĐT là lĩnh vực thương mại dựa trên nền tảng công nghệ, vì thế chúng ta cũng phải có cách quản lý rất linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của công nghệ. Nếu quản lý nhà nước về TMĐT mà chỉ áp dụng như thương mại truyền thống thì chắc chắn không phát huy được sức mạnh của TMĐT.
Hiện nay, các website bán hàng cần phải thông báo, đăng ký trực tuyến trên cổng thông tin quản lý về TMĐT của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc thông báo hay đăng ký này cũng như một DN khi muốn kinh doanh phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn sau khi đăng ký kinh doanh, việc DN đó kinh doanh như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách thức kinh doanh, sản phẩm, mặt hàng, đạo đức và văn hóa kinh doanh của chính DN đó.
Ông Beselin, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam
Năm 2014 là thời điểm bùng nổ mang tính chiến lược. Trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều “tay chơi” tấn công vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Điều này sẽ thúc đẩy ngành TMĐT phát triển với tốc độ nhanh. Song song đó, người tiêu dùng ngày càng tinh tế hơn trong việc chọn lựa nhà cung cấp hàng đầu”.
Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty DKT
Nếu xem quá trình phát triển TMĐT là một con dốc vừa cao vừa dài, các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc đã sắp lên đến đỉnh dốc thì Việt Nam chúng ta chỉ mới bắt đầu leo dốc, khoảng cách ấy vào khoảng 5 - 7 năm. Lo ngại về sản phẩm kém chất lượng, người bán không thực hiện đúng cam kết, trả lại hàng hóa, bảo hành… làm cho quy mô và doanh thu thị trường chưa đạt được đúng tiềm năng.