“Tuyên chiến” với hàng giả, hàng nhái trong môi trường mạng
Với thị trường có quy mô dự báo vào năm 2020 lên tới 10 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm, thương mại điện tử (TMĐT) đang thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ cho mọi đối tượng kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… lợi dụng không gian mạng để trốn tránh các cơ quan chức năng, lừa đảo người tiêu dùng.
“Chiến trường mới” trong chống gian lận
Cùng với sự phát triển của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và ứng dụng kỹ thuật số, TMĐT được đánh giá là đã có bước phát triển mạnh mẽ, theo kịp xu hướng kinh doanh hiện đại. TMĐT tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp (DN), buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm dịch vụ...
Ngoài các doanh nghiệp (DN) trong nước , bao gồm cả các DN cung cấp dịch vụ sàn TMĐT đến các DN kinh doanh chuỗi bán lẻ: Shopee, FPT, Tiki, Thegioididong, Sendo…, TMĐT Việt còn có sự góp mặt của các DN nước ngoài có uy tín trên thế giới: Alibaba, Amazon, Lazada...
Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tổng doanh thu của các công ty TMĐT tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 6 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm từ 2016 - 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Với kết quả đó, Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức, dự báo năm 2019, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 35%.
Nhưng song hành cùng với sự phát triển tích cực, hoạt động TMĐT cũng tồn tại không ít mặt trái như: Gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu. “Đây thực sự là thách thức đối với cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định.
Trên thực tế, qua tổng hợp các vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động TMĐT, đại diện lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác kiểm tra, phát hiện website vi phạm đang gặp nhiều trở ngại. Đơn cử, việc yêu cầu chủ kinh doanh thừa nhận để xử lý là rất khó do không có cơ sở chứng minh, bởi ngay tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã cho dừng, đóng, khóa trang web…
Các trang mạng, wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể là ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng, cá biệt có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.
Đồng thời, sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách. Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã triệt phá đường dây lớn trên TMĐT. Hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên website nhathuoc18.com. Địa chỉ kinh doanh mập mờ, hàng hóa không có nguồn gốc chứng từ, mọi giao dịch bán hàng qua mạng… khiến các lực lượng chức năng phải trinh sát, kiểm tra, kiểm soát đặc biệt mới có thể xử lý triệt để.
QLTT “tuyên chiến” với hàng giả, hàng nhái trên TMĐT
Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ có những kế hoạch cao điểm để bước đầu xử lý những vấn đề gian lận thương mại trên môi trường internet.
Ông Trần Hữu Linh
Trước tình hình đó, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLkhẳng định: Để có thể xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thời gian tới, cùng với việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, lực lượng QLTT hướng đến một số giải pháp cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách, các môi trường chính sách, đặc biệt là những chế tài xử lý đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Đồng thời, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của các cán bộ QLTT, trong đó, đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ QLTT trong lĩnh vực TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, ứng dụng TMĐT. Bên cạnh đó, nâng cao vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để cán bộ QLTT thực sự là những cán bộ có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn để có thể làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Ngoài ra, QLTT cũng sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh; Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng.
Lực lượng QLTT cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, biên phòng, thuế… để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên TMĐT nói riêng và thị trường cả nước nói chung.