Tỷ giá cuối năm 2019 sẽ ra sao?
Dù tỷ giá USD/VND vẫn đang có xu hướng ổn định trong ngắn hạn, nhưng đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá sẽ tạo sức ép lớn đối với tỷ giá trong nước.
Nguồn cung dồi dào
“Thị trường ngoại hối ổn định”, “VND tiếp tục đi ngang”, hay “VND tiếp tục trụ vững trước đà lao dốc của NDT”… Đó là những đánh giá của các công ty chứng khoán về tỷ giá thời gian gần đây.
Quả vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đã đẩy NDT chính thức xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 7 NDT/USD lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào đầu tháng 8 và tiếp tục lao dốc kể từ đó đến nay. Tính chung, NDT đã giảm 4% so với USD trong tháng 8 vừa qua. Thương chiến cũng khiến nhiều đồng tiền tại các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á giảm giá mạnh như đồng Won của Hàn Quốc giảm 8,6% kể từ đầu năm; Rupee của Ấn Độ giảm 3,6%...
Thế nhưng, tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định. Theo đó, mặc dù tỷ giá trung tâm trong tháng 8 được điều chỉnh tăng/giảm xen kẽ nhau và chỉ tăng 0,26% so với cuối tháng 7, song tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng vẫn ổn định. Cụ thể, chốt phiên 31/8/2019, tỷ giá trung tâm của NHNN tăng 63 đồng lên mức 23.133 đồng/USD, nhưng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn giảm 8 đồng so với thời điểm cuối tháng 7/2019, giao dịch tại mức 23.197 đồng/USD. Trong khi tỷ giá giao dịch của các ngân hàng vẫn xoay quanh mức 23.200 đồng/USD. Còn trên thị trường tự do, VND giao dịch ở mức 23.215 đồng/USD, chỉ tăng nhẹ 15 đồng (+0,05%) so với tỷ giá ngày 31/7.
Đà ổn định của tỷ giá vẫn được nối dài trong những ngày đầu tháng 9. Mặc dù trong phiên giao dịch sáng 10/9, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ 3 đồng lên 23.135 đồng/USD sau khi đã giảm 12 đồng trong hai phiên trước đó, song tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng vẫn gần như bất động. Hiện giá mua vào của các nhà băng vẫn phổ biến trong khoảng 23.110 – 23.130 đồng/USD, trong khi giá bán ra phổ biến trong khoảng 23.240 - 23.260 đồng/USD. Mức giá mua - bán ngoại tệ này không thay đổi so với thời điểm cuối tháng 7, thậm chí chỉ tương đương như thời điểm cuối năm 2018.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, nguồn cung ngoại tệ dồi dào là nguyên nhân chính giúp tỷ giá trong nước duy trì trạng thái ổn định suốt từ đầu năm đến nay. Theo Công ty chứng khoán KB, cán cân thương mại thặng dư, thương vụ BIDV bán cổ phần cho Keb Hana… khiến số dư ngoại tệ trong ngân hàng ở mức cao (thặng dư khoảng 1,5 – 2 tỷ USD).
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI cũng dẫn số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho biết, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư 1,93 tỷ USD trong quý 2/1029, lũy kế 6 tháng 2019 tặng dư 9,14 tỷ USD. Trong khi cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 1,7 tỷ USD – cao hơn nhiều mức thặng dư của tháng 7 (43,2 triệu USD), lũy kế 8 tháng thặng dư 3,4 tỷ USD. Đó là chưa kể dòng vốn FDI giải ngân trong tháng đạt 1,41 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đạt 11,96 tỷ USD – tăng 6,3%... “Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và việc giữ tỷ giá mua vào ở mức hấp dẫn (23.200 đồng/USD) đã giúp cho NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ”, SSI nhận định.
Tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định
Theo SSI, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đang ở mức cao nhất trong lịch sử, sẽ là tấm đệm quan trọng giúp NHNN điều hành tỷ giá. Thêm vào đó, với chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức trên 1% và nguồn cung ngoại tệ khả quan, đặc biệt là chuẩn bị bước vào mùa kiều hối, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định quanh vùng 23.200 đồng/USD.
Đó là trong ngắn hạn, còn xét về dài hạn, không phủ nhận việc NDT tiếp tục giảm giá đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá trong nước. Theo dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế, nếu Mỹ áp thuế suất 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc, NDT có thể rơi xuống mức 7,88 NDT/USD.
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, NDT có thể giảm giá xuống mức 7,350 NDT/USD vào cuối năm nay, so với hiện tại đang vào khoảng 7,156 NDT/USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là NDT rớt giá mạnh, cũng đồng nghĩa với việc đồng nội tệ tăng giá. Điều đó sẽ gây nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu và khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc thêm trầm trọng hơn. Trong đối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị tỷ giá trong nước cũng nên “cuốn theo chiều gió”, có nghĩa nên giảm giá VND tương ứng với mức độ mất giá của NDT để tránh tạo áp lực bất lợi đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là Việt Nam vẫn đang bị Mỹ liệt vào danh sách theo dõi “thao túng tiền tệ” nên không thể giảm giá VND quá mạnh. Thậm chí theo các công ty chứng khoán, NHNN sẽ chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ. Việc làm này vừa để tránh Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá trong biên độ 3% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
“NHNN Việt Nam chịu áp lực lớn trong việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá cũng như mục tiêu tỷ giá. NHNN có thể sẽ giảm bớt mức độ cũng như cường độ tác động, để tỷ giá có sự linh hoạt hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, mục tiêu mất giá sẽ cần phải điều chỉnh khéo léo, tránh việc phá giá tiền tệ”, KB khuyến nghị.