Ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao năng suất ngành Dệt may

Hiền Nguyễn

Module điều khiển tự động dựa trên nền tảng công nghệ số FPGA do các nhà khoa học Trường Cao đẳng Huế phát triển đã giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp ngành Dệt may, đồng thời bảo vệ sức khỏe của công nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại nước ta, các nhà máy may công nghiệp đang sử dụng phổ biến dòng máy may theo số hiệu NTD67 Kingtex với những ưu việt về kỹ thuật và giá thành. Mặc dù vậy, khi vận hành bàn máy may loại này, công nhân may phải thực hiện nhiều thao tác thủ công với sự phối hợp của tay và chân cùng lúc để gia công các chi tiết vải.

Để đẩy nhanh thời gian gia công các chi tiết vải, cần có các bàn may tự động, tuy nhiên chi phí đầu tư cho các hệ máy tự động hiện đại là khá cao. Ngoài ra, bộ điều khiển của các dòng máy may này khi hư hỏng thường phải nhập khẩu từ nước ngoài để thay thế, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. 

Xuất phát từ thực trạng đó, thông qua thực hiện đề tài cấp Bộ Công Thương “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ điều khiển cho dòng máy may NT67 trên nền tảng công nghệ FPGA”, TS. Nguyễn Khánh Quang cùng các cộng sự của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã nghiên cứu và chế tạo bộ điều khiển tự động có thể lắp ghép vào các dòng máy may NTD67 nhằm giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư mua mới các bàn máy tự động, giảm chi phí sửa chửa thay thế cho doanh nghiệp.

Bộ điều khiển tự động khi ghép với máy may dòng NTD67 sẽ giúp giảm đáng kể các thao tác của công nhân may khi gia công các chi tiết vải, do đó sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ gia công một sản phẩm. Mặt khác, từ việc giảm các thao tác sử dụng tay, chân tác động lên các cơ cấu điều khiển như bàn đạp của máy may sẽ giúp giảm tổn thương cơ xương cho công nhân vận hành máy may khi làm việc trong một thời gian dài.

Module điều khiển tự động cho dòng máy may NTD67 do nhóm nghiên cứu sản xuất đã được áp dụng ở xưởng dạy may Trường Cao đẳng Công Nghiệp Huế và áp dụng thử nghiệm tại nhà máy của Công ty HBI Huế.

Sau 1 tháng thử nghiệm, việc sử dụng module điều khiển tự động đem lại kết quả rất tốt. Nhiều thao tác trong quá trình vận hành máy may đã được giảm tải như nhấn bàn đạp lui để nhấc chân vịt lên cao, trả vị trí cũ để hạ chân vịt kẹp vải, nhấn bàn đạp tới để may, nhả chân vịt để dừng, gạt chân sang phải để chém chỉ (2 lần).

Với việc sử dụng module điều khiển tự động, công nhân may chỉ còn đưa vải vào may và lấy sản phẩm ra đồng thời không phải canh để chém viền và chỉ dư, nhờ đó mà sản lượng thành phẩm đã tăng lên gấp 2 – 3 lần (tùy mã hàng) so với trước đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng công nghệ FPGA để phát triển module tự động cho bộ điều khiển của dòng máy may NTD67 nhằm nâng cấp một số tính năng tự động hóa của máy là tính mới của đề tài nghiên cứu. Sản phẩm module điều khiển tự động của TS. Nguyễn Khánh Quang ​và các cộng sự phát triển có thể được sử dụng làm mô hình giảng dạy cho các học phần của ngành tự động hóa tại các cơ sở giáo dục đồng thời sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.

Áp dụng module điều khiển tự động hóa còn giúp giảm thời gian và sai sót lỗi trong khi may, từ đó cải thiện được năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Số lượng các máy may dòng NTD67 có trong các nhà máy may công nghiệp hiện nay là rất lớn. Việc cải tiến và nâng cao mức độ tự động hóa cúa máy không chỉ giúp nhà máy nâng cao được mức độ tự động hóa mà còn làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.