TỈnh Hậu Giang:
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Cuối năm 2021, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 26 Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, thể hiện sự quan tâm, đầu tư cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của tỉnh.
Từ kinh phí thực hiện
Để triển khai hiệu quả “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh đã có nhiều định hướng và giải pháp cụ thể. Cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26 Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030.
Nghị quyết số 26 đã quy định rõ ràng nội dung, mức chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp với nhiều điều kiện hấp dẫn. Cụ thể, chi hỗ trợ doanh nghiệp 50% kinh phí thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP… áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa,... với mức chi tối đa không quá 65 triệu đồng cho mỗi hệ thống của doanh nghiệp trên năm.
Chi hỗ trợ doanh nghiệp 50% kinh phí thực hiện áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố (tối đa không quá 50 triệu đồng cho một công cụ của một doanh nghiệp trên năm). Đồng thời, chi hỗ trợ doanh nghiệp 50% kinh phí thực hiện chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật và tối đa không quá 5 triệu đồng mỗi sản phẩm.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Chương trình chi hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng mỗi năm, đối với doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Với những mức chi hỗ trợ hấp dẫn như trên, doanh nghiệp có thêm sự trợ lực để tự tin cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.
Đến nhiều hoạt động khác khi triển khai áp dụng thực tế
Bên cạnh việc được hỗ trợ kinh phí, các doanh nghiệp tham gia Chương trình còn được quan tâm, tư vấn, trợ giúp về mặt chuyên môn của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình.
Ông Trương Đắc Nguyện - Quản lý Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức, TP. Ngã Bảy, cho biết: “Trong quá trình áp dụng hệ thống tiêu chuẩn HACCP cho cơ sở, ban đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được chi cục hỗ trợ tận tình về mặt hồ sơ, thủ tục pháp lý, chúng tôi cũng thực hiện dễ dàng hơn. Đến nay, cơ sở đã áp dụng tiêu chuẩn hơn 3 năm, nhờ các khâu sản xuất khép kín, sử dụng máy móc, thiết bị là chủ yếu nên dù ít nhân công, nhưng mỗi ngày, chúng tôi đều đưa ra thị trường khoảng 4 tấn bún tươi và nhiều sản phẩm khác”. Với chương trình lần này, cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức mong muốn tham gia để được hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, nhằm đưa sản phẩm bún khô của doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Lý Hùng Phương - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung tổ chức đào tạo chuyên gia là cán bộ, công chức của Sở Khoa học và Công nghệ, một số sở, ngành, đạt trình độ chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý chất lượng, năng suất chất lượng. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP… cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực, hỗ trợ tốt cho quá trình thực hiện chương trình, giúp các doanh nghiệp tham gia đạt hiệu quả cao.
“Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đang trong giai đoạn đầu triển khai và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị kinh tế - xã hội cho tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.