Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý thị trường bảo hiểm
Chiều ngày 31/12, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý thị trường bảo hiểm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, song thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường bảo hiểm của nước ta hiện có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, với tổng tài sản ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 104.653 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 605.349 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2021, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng, tăng 22,24% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 214.958 tỷ đồng (tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020).
Công tác đề xuất, xây dựng chính sách, chế độ trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng phát triển kinh doanh, nổi bật là xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Công tác thanh tra, giám sát quản lý cũng được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chú trọng triển khai. Thông qua đó, Cục đã kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý công nợ, hạch toán kế toán; hạch toán điều chỉnh các khoản doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp... Đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định và có cơ hội hoàn thiện, phát triển, góp phần giữ vững kỷ cương, góp phần làm cho thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả...
Theo ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong năm 2022, Cục sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với mục tiêu minh bạch, an toàn, hiệu quả để phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mực quốc tế; đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cơ bản của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; Tiếp tục hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2021-2030...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải nâng cao năng lực tập thể cùng với các chuyên gia với tinh thần cầu thị tiếp thu để xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, Cục cần tập trung vào việc hướng dẫn các quy định của bảo hiểm như: bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp... tính đến hướng đi mới sao cho hiệu quả.
Trong quá trình chuyển đổi số, Thứ trưởng đề nghị, lĩnh vực bảo hiểm cần phải có biện pháp để các doanh nghiệp bảo hiểm phải đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực kinh doanh để đảm bảo sự minh bạch trong thị trường.
"Đơn vị cần quyết tâm xây dựng cơ sở dữ liệu của Ngành, thực hiện công tác giám sát theo quy định mới. Đặc biêt, Cục cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý thị trường bảo hiểm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Thị trường bảo hiểm của nước ta hiện có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, với tổng tài sản ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 104.653 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 605.349 tỷ đồng.