Nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công - thất bại của các doanh nghiệp (DN) trên thương trường chính là thông tin cung cấp cho các nhà quản trị, để từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, nền tảng cơ bản để DN giữ vững và phát triển vị thế của mình trên thương trường chính là sử dụng kế toán quản trị.

Ở Việt Nam, kế toán quản trị được chính thức thừa nhận trong Luật Kế toán được quốc hội thông qua ngày 17/6/2003. Ngày 12/06/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị vào các DN. Tuy nhiên, việc thực thi kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong các DN Việt Nam hiện chưa được chú trọng. Vì vậy, việc tiếp thu những kinh nghiệm về kế toán quản trị ở các nước phát triển để xây dựng và hoàn thiện kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm nói riêng vào các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thực sự cần thiết.

Mô hình tổ chức kế toán quản trị ở Cộng hòa Pháp

Đặc trưng cơ bản của mô hình kế toán Cộng hoà Pháp là mô hình kế toán tĩnh, nên tổ chức kế toán có những đặc điểm khác biệt với mô hình kế toán động, cụ thể: Hệ thống kế toán bao gồm kế toán tổng quát (Kế toán tài chính) và kế toán phân tích (Kế toán quản trị). Kế toán tổng quát và kế toán phân tích được tổ chức tách rời nhau, độc lập tương đối. Kế toán phân tích (Kế toán quản trị) sử dụng hệ thống tài khoản riêng, sổ kế toán và báo cáo kế toán riêng. Kế toán phân tích đặt trọng tâm xử lý và cung cấp thông tin về chi phí ,thu nhập và kết quả của từng loại hoạt động SXKD của DN theo tùng sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, kế toán phân tích của Cộng hoà Pháp thực hiện những nội dung tương tự như kế toán quản trị, nhằm cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm soát chi phí, lập dự toán chi phí và các loại dự toán khác.

Để quản lý DN, người ta tổ chức các bộ phận có chức năng riêng biệt, bao gồm: Phân xưởng sản xuất, kho hàng, gian hàng, các phòng ban.

Chi phí được tập hợp theo các bộ phận được gọi là trung tâm phân tích. Có hai loại trung tâm: Trung tâm chính bao gồm trung tâm chuyên nghiệp, trung tâm không chuyên nghiệp và trung tâm phụ.

Phân loại chi phí phục vụ yêu cầu quản lý doanh nghiệp

Để phục vụ cho nhu cầu quản lý, chi phí được phân theo nhiều cách khác nhau:

- Chi phí theo chức năng:

+ Các chi phí trong kế toán tổng quát được phân loại theo bản chất kinh tế hay còn gọi là chi phí thông thường. Việc phân loại này có tính chất tổng quát, chưa cung cấp thông tin đầy đủ để tính toán các loại giá thành trong kế toán phân tích. Do đó, khi chuyển sang kế toán phân tích, các chi phí của kế toán tổng quát phải thể hiện được chi phí theo chức năng như: Chức năng quản trị hành chính, chức năng tài chính, chức năng tiếp liệu, chức năng sản xuất và chức năng phân phối… Tổng cộng các chi phí của trung tâm là giá thành của trung tâm.

- Chi phí trực tiếp và chi phí biến đổi

+ Chi phí trực tiếp: Là các chi phí có liên quan trực tiếp đến chất lượng và số lượng sản phẩm;

+ Chi phí gián tiếp: Là chi phí không liên quan trực tiếp đến chất lượng và số lượng hoặc có thể liên quan đến chất lượng và số lượng sẩn phẩm nhưng không theo tỷ lệ thuận và không liên quan trực tiếp đến sản phẩm nào, cho nên chúng không thể được tính trực tiếp cho từng sản phẩm mà phải trải qua giai đoạn phân bổ gián tiếp vào các loại sản phẩm liên quan.

- Phân loại chi phí không phân bổ và chi phí bổ sung.

- Chi phí biến đổi và chi phí cố định.

Kế toán phân tích với việc tính giá thành sản phẩm

Về phương diện tổng quát và đơn giản có thể phân tích các yếu tố cấu thành nên ba loại giá thành:

- Giá thành nguyên vật liệu: Bao gồm giá trị nguyên liệu, vật liệu mua vào ghi trên hóa đơn của nhà cung cấp và các chi phí liên quan đến mua nguyên liệu, vật liệu như chi phí chuyên chở, bảo hiểm…

- Giá thành sản xuất: Bao gồm chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu, khấu hao tài sản cố định, chi phí thuê ngoài… phát sinh trong giai đoạn sản xuất sản phẩm.

- Giá thành phân phối: Gồm các chi phí về tiêu thụ sản phẩm như chuyên chở, bảo quản sản phẩm khi bán, bao bì đóng gói, tiếp thị quảng cáo…

Để tính được chỉ tiêu giá thành thì phải tập hợp các chi phí có liên quan đến chỉ tiêu giá thành đó. Phương pháp tập hợp chi phí và xác định giá thành có ảnh hưởng đến việc quản trị DN. Có nhiều cách tính giá thành: Giá thành theo sản phẩm hoặc giá thành theo thời khoản phát sinh, giá thành theo chi phí hỗn hợp hoặc giá thành theo chi phí trực tiếp. Tóm lại, chi phí và giá thành trong kế toán quản trị ở Cộng hoà Pháp được phân thành nhiều loại khác nhau. Mỗi một loại chi phí và mỗi chỉ tiêu giá thành đảm bảo cung cấp thông tin cần thiết nhất định để thoã mãn yêu cầu quản lý.

Mô hình kế toán quản trị chi phí và giá thành ở Mỹ

Hiện nay, Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao nhất. Trình độ tổ chức quản lý nói chung, tổ chức kế toán nói riêng được nhiều nước vận dụng. Ở Mỹ, không sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán thống nhất cho các DN mà dựa trên các nguyên tắc kế toán để DN thiết kế hệ thống tài khoản kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh và yêu cầu quản lý DN.

Đặc trưng cơ bản của mô hình kế toán Mỹ là mô hình kế toán động, nên tổ chức kế toán có những đặc điểm khác biệt với mô hình kế toán tĩnh, cụ thể:

- Hệ thống kế toán bao gồm: Kế toán tài chính và kế toán quản trị kết hợp trong cùng một bộ máy kế toán.

- Kế toán tài chính và kế toán quản trị cùng sử dụng một hệ thông tài khoản, trong đó kế toán tài chính sử dụng các tài khoản tổng hợp, còn kế toán quản trị sử dụng các tài khoản chi tiết.

Tiêu thức phân loại chi phí:

- Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động của chi phí. Phân loại này được chia làm hai loại:

+ Chi phí sản xuất: Chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung…

+ Chi phí ngoài sản xuất: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN.

Qua phân loại này, vị trí và chức năng hoạt động của chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở DN; Là căn cứ để xác định giá thành sản phẩm và tập hợp chi phí. Cung cấp thông tin có hệ thống cho việc lập các báo cáo tài chính.

- Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí.

Nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu lập kế hoạch, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí của nhà quản trị DN, kế toán quản trị phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí, nghĩa là khi hai mức độ hoạt động biến động chì chi phí sẽ biến động như thế nào. Khi mức hoạt động kinh doanh thay đổi, các nhà quản trị cần phải thấy trước chi phí sẽ biến động như thế nào? Biến động bao nhiêu và loại nào biến động để tương ứng với biến động của mức hoạt động. Theo cách phân loại này có tể chia thành:

+ Biến phí: Biến phí là những khoản mục chi phí có quan hệ tỷ lệ thuận với biến động về mức độ hoạt động. Biến phí khi tính cho một đơn vị thì nó ổn định, không thay đổi. Biến phí khi không có hoạt động bằng 0.

+ Định phí: Định phí là những khoản chi phí không biến đổi khi mức độ hoạt động thay đổi. Tuy nhieen, khi tính cho một đơn vị hoạt động, thì định phí thay đổi. Khi mức độ hoạt động tăng thì định phí tính cho một đơn vị hoạt động căn cứ giảm và ngược lại.

+ Chi phí hỗn hợp: Đây là loại chi phí mà bản thân nó gồm cả các yếu tố của định phí và biến phí. Ở mức độ hoạt động căn bản, chi phí hỗn hợp thể hiện các đặc điểm của định phí, quá mức đó nó lại thể hiện đặc tính của biến phí.

- Phân loại chi phí theo mối quan hệ với lợi tức: Chia ra làm hai loại: Chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ.

- Phân loại chi phí theo thẩm quyền ra quyết định.

- Phân loại chi phí theo phương pháp tập hợp chi phí.

Phương pháp tính giá thành sản phẩm:

Có hai phương pháp ghi chép chi phí: Theo công việc và theo quá trình sản xuất. Phương pháp xác định chi phí sản xuất theo công việc áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau và thường sản xuất theo đơn đặt hàng.

Kế toán quản trị theo hệ thống kế toán Mỹ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận; Phân tích báo cáo bộ phận và áp dụng phương pháp tính lãi theo biến phí trong quá trình tính toán chi phí; Xây dựng định mức chi phí cũng như kế hoạch linh hoạt và phân tích chi phí chung…

Phương pháp xác định chi phí theo giai đoạn của quá trình sản xuất thường áp dụng cho những DN sản xuất hàng loạt, chỉ sản xuất một sản phẩm với quy trình sản xuất ổn định. Những DN như vậy thường tổ chức phân xưởng sản xuất theo giai đoạn sản xuất. Sau khi xác định chi phí theo phân xưởng sản xuất, cần phải xác định chi phí cho sản phẩm (giá thành đơn vị sản phẩm). Để tính giá thành đơn vị sản phẩm trong phân xưởng, kế toán xác định sản phẩm tương đương của phân xưởng theo một trong hai phương pháp: Cộng trung bình và nhập trước xuất trước (FIFO).

+ Phương pháp cộng trung bình: Theo phương pháp này, chi phí được tính bình quân cho khối lượng dở dang và khối lượng hoàn thành.

+ Phương pháp FIFO: Theo phương pháp này chi phí dở dang đầu kỳ được tính hết cho sản phẩm hoàn thành. Chi phí phát sinh sẽ được phân bổ cho sản phẩm hoàn thành và sản phẩm dở dang cuối kỳ.

Kế toán quản trị đặt trọng tâm vào việc xây dựng, kiểm tra, xác định và hoạch định các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nên rất chú trọng đến việc phân loại và xác định chi phí. Đa phần các DN tổ chức theo cơ chế phân quyền, vì vậy kế toán quản trị phải thu thập được thông tin chi tiết phục vụ cho nhà quản trị các cấp hiểu rõ về tình trạng thực tế của từng bộ phận để đưa ra các quyết đinh quản lý phù hợp. Nhà quản trị cấp cao cần được cung cấp thông tin tổng hợp để hoạch định kế hoạch mang tính chiến lược.

Vận dụng mô hình tổ chức kế toán quản trị quốc tế vào doanh nghiệp Việt Nam

- Tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị trong cùng bộ máy kế toán (theo mô hình kế toán Mỹ). Phân công công việc cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ trong phòng kế toán, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin phù hợp với trình độ cán bộ kế toán của các DN. Đồng thời, đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát của Nhà nước.

- Xây dựng các quy định về kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm thích ứng với yêu cầu. Mặt khác, đòi hỏi chế độ, chính sách kinh tế tài chính phải được xây dựng ban hành đồng bộ, hoàn chỉnh, đầy đủ trong hoạt động thực tiễn của nền kinh tế quốc dân.

- Các DN cần phân công công việc cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ trong phòng kế toán nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người, đảm bảo thông tin kế toán được cung cấp kịp thời, đáng tin cậy.

- Tổ chức kế toán quản trị sao cho các thông tin về việc đảm bảo và sử dụng các nguồn lực, chi phí, thu nhập và kết quả của toàn DN, từng bộ phận một cách cụ thể theo địa điểm, theo thời gian; theo yếu tố cấu thành, giúp cho các nhà quản trị cấp cao có thể đưa ra quyết định phù hợp, kịp thời.

- Các DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật và dự toán, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch khoa học và hợp lý.

Vận dụng kinh nghiệm tổ chức mô hình kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm các nước trên thế giới sẽ giúp cho các DN của Việt Nam xây dựng và hoàn thiện tổ chức kế toán quản trị nói chung, kế toán quản trị chi phí và giá thành nói riêng một cách khoa học, hợp lý. Qua đó, thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kế toán quản trị thực sự hữu ích, kịp thời cho nhà quản trị trong các tình huống, giúp đội ngũ quản lý ra những quyết định quản lý tối ưu nhất.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các DN;

2. Ngô Thế Chi(1995), Đặc điểm kế toán Mỹ và Pháp;

3. Phạm Văn Dược (1998), Hướng dẫn tổ chức kế toán quản trị trong các DN, Nhà xuất bản Thống kế, Hà Nội;

4. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Giáo trình Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân;

5. Huỳnh Lợi, Võ Văn Nhị (2003), Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội;

6. Các website: www.mof.gov.vn; www.vcci.com.vn.

Ứng dụng kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. TRẦN TUẤN ANH, ThS. ĐỖ THỊ THU HẰNG - Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên)

(Tài chính) Trong những năm qua, kế toán quản trị chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức. Vì vậy, học tập kinh nghiệm và vận dụng mô hình tổ chức kế toán quản trị của các nước có nền kinh tế phát triển nhằm xây dựng và hoàn thiện kế toán quản trị nói chung và kế toán chi phí và giá thành sản phẩm nói riêng trong các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Xem thêm

Video nổi bật