Ứng phó SARS-CoV-2, các nước đồng loạt điều chỉnh chính sách kinh tế
Viễn cảnh về một giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế diễn ra tại khu vực châu Á và toàn cầu nói chung là hoàn toàn có thể xảy ra nếu dịch bệnh SARS-CoV-2 chưa được kiểm soát. Trước tình hình đó, chính phủ một số nước đã và đang có những động thái điều chỉnh chính sách kinh tế rõ rệt.
Kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút nghiêm trọng ngay trong quý I/2020
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch nCoV tới kinh tế toàn cầu trong năm 2020, nhưng chắc chắn là quý I/2020, kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, vì vậy, SARS-CoV-2 có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3 - 4 lần. Những ảnh hưởng đã nhìn thấy rõ nét ở một số ngành sản xuất và một số ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn.
Còn theo Bloomberg, ảnh hưởng của SARS-CoV-2 lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc, mà Hàn Quốc và Việt Nam có thể giảm tăng trưởng 0,4 điểm phần trăm, Nhật Bản 0,2 điểm phần trăm trong quý I/2020.
Các nước cùng chung tay hành động
Tác động bất lợi của dịch SARS-CoV-2 đến kinh tế toàn cầu là nội dung bao trùm tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Riyadh, Saudi Arabia trong hai ngày 22-23/2. Những người đứng đầu ngành tài chính G20 đã bày tỏ sẵn sàng hành động để ứng phó với tác động của dịch bệnh trên đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tại châu Á, ngày 20/2 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (tên gọi trước đây của SARS-CoV-2) cũng đã được tổ chức.
Tại Hội nghị, các nước thành viên ASEAN đã chia sẻ cập nhật về công tác ứng phó dịch bệnh đang được triển khai khẩn trương, tích cực ở mỗi quốc gia cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác bên ngoài và cộng đồng quốc tế trong ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế - xã hội của các nước cũng như duy trì trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai bên.
Xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế tại các nước châu Á
Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới những ngày vừa qua đã bị tác động không nhỏ từ SARS-CoV-2. Các đồng nội tệ của Trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc… đều có chiều hướng giảm giá khá mạnh.
Hãng tin Bloomberg ước tính, ngay cả khi dịch bệnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc cũng sẽ đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 4,5% và kéo theo những ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á khác.
Để ngăn SARS-CoV-2 gây bất ổn lớn cho nền kinh tế, chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước châu Á đã bắt đầu hành động.
Tại tâm dịch Trung Quốc, ngày 3/2/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định bơm 1.200 tỷ NDT (khoảng 174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế đang lao đao vì SARS-CoV-2. Ngày 20/2, ngân hàng Nhân dân (PBOC) đã hạ 0,1 điểm phần trăm lãi suất cơ bản cho vay xuống mức 4,05%. Trọng tâm hỗ trợ sẽ tập trung vào các khoản vay ngắn hạn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Chính quyền Bắc Kinh cam kết tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đang tạm thời phải đối mặt với khó khăn. Một số thành phố khác của Trung Quốc bao gồm Thượng Hải, Thanh Đảo, Tô Châu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ thông qua việc giảm những gánh nặng về bảo hiểm an sinh xã hội, thuê trụ sở và vay tài chính...
Cùng lúc đó, tại Đông Nam Á, các gói kích thích nền kinh tế đã được các chính phủ các nước tung ra. Ngân hàng trung ương nhiều nước đã thực hiện các chính sách cắt giảm lãi suất nhằm chống lại các kịch bản xấu SARS-CoV-2 do gây ra.
Trong đó, ngày 5/2/2020, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) tuyên bố hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1%. Việc hạn chế đi lại của người Trung Quốc đã cản trở đáng kể sự phát triển của ngành du lịch tại Thái Lan, vốn chiếm khoảng 20% GDP. Giới phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa, có thể là trong tháng 3/2020 tới.
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, giới chức Thái Lan đã thực hiện một loạt biện pháp để xoa dịu tình hình cho giới doanh nghiệp, trong đó có cắt giảm thuế, nới lỏng các điều khoản trả nợ và kéo dài thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 sang tháng 6/2020.
Tiếp sau Thái Lan, ngày 6/2/2020, Ngân hàng Trung ương Phillippines cũng thông báo hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 3,75% trong bối cảnh dự báo các doanh nghiệp nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu linh kiện sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn tại Singapore, thiệt hại do SARS-CoV-2 cũng buộc đảo quốc sư tử công bố khoản ngân sách khẩn cấp trị giá 4 tỷ SGD nhằm bù đắp tiền lương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng hạn mức cho vay. Các chuyên gia kinh tế của JP Morgan Chase & Co. và Citigroup Inc. cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh không có chuyển biến tích cực, Cơ quan Tiền tệ Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 4.
Tại Indonesia, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách. Bên cạnh đó, để duy trì sức mua của người tiêu dùng, đại diện Bộ Tài chính Indonesia cho biết, trong quý I/2020, chính phủ Indonesia sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chi tiêu của các Bộ/cơ quan, đặc biệt là chi trợ cấp xã hội và mở rộng các chương trình tín dụng doanh nghiệp nhân dân. Chính phủ cũng chuẩn bị chính sách tài khóa và phi tài chính để kích thích ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa.
Các chuyên gia dự báo, cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa tại khu vực châu Á sẽ còn mở rộng, ít nhất là từ nay đến hết tháng 3/2020.
Tuy chưa có các điều chỉnh cụ thể như các nước Đông Nam Á nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ ứng phó kịch bản kinh tế xấu nhất.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda mới đây cho biết BoJ sẽ theo dõi sát diễn biến của dịch SARS-CoV-2 vì thiệt hại mà nền kinh tế Nhật Bản hứng chịu có thể không nhỏ nếu dịch bệnh kéo dài và phá vỡ chuỗi cung ứng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo chính phủ xem xét việc phân bổ ngân sách bổ sung sớm "nếu cần thiết" và nhanh chóng chi tiền từ các quỹ dự trữ hiện có, trị giá 3.400 tỷ Won (2,8 tỷ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế địa phương bị ảnh hưởng do dịch SARS-CoV-2. Giới chuyên gia cũng dự báo, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.