Ứng xử ra sao khi nhân dân tệ giảm giá?
Đã có doanh nghiệp bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng mạnh từ việc đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Một chính sách tỷ giá linh hoạt theo thị trường song vẫn duy trì sự ổn định tiền tệ được cho là phù hợp với Việt Nam hiện nay.
Tác động đã đến mức đáng lo?
Ngày 17/5, CNY tiếp tục giảm giá nhẹ xuống mức hơn 6,9 CNY đổi 1 USD. Đây là mức giá thấp nhất của CNY so với USD tính từ tháng 12 năm ngoái.
Giới quan sát quốc tế dự báo rằng Trung Quốc sẽ can thiệp để giữ đồng nội tệ không giảm xuống đến “ngưỡng tâm lý” là 7 CNY đổi 1 USD. Một trong các chiến thuật có thể được nước này sử dụng là bán ra một phần lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ.
Đánh giá về diễn biến này, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, đợt giảm giá CNY lần này có thể bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.
Về mặt chủ quan, Trung Quốc muốn tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu để bù đắp tổn thất từ việc tăng thuế quan của Mỹ.
Về khách quan, đồng CNY đã ở trong xu thế giảm giá từ giữa năm ngoái đến nay do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, sự suy giảm các điều kiện thuận lợi cho sản xuất như chi phí nhân công tăng, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, áp lực từ chiến tranh thương mại với Mỹ dẫn đến nguy cơ có dòng vốn rút khỏi quốc gia này.
Dù CNY chưa giảm giá quá mạnh, song một số doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về khả năng suy giảm xuất khẩu của hàng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, CNY giảm giá gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, “đối thủ” cạnh tranh lớn nhất của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là Ấn Độ. Đồng rupee Ấn Độ cũng bị phá giá sâu so với USD nên Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, và thủy sản Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn.
Trong khi đó, đại diện cho một ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, chưa đến mức lo ngại và thậm chí vẫn có tín hiệu tích cực.
“Xuất khẩu da giày, túi xách sang Trung Quốc đều đi theo đường chính ngạch và được thanh toán bằng USD. Đồng CNY giảm giá so với USD cũng có thể ảnh hưởng nhưng hiện tại vẫn chưa có biểu hiện. Ở chiều ngược lại, nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất các mặt hàng này lại giảm giá nhờ CNY suy yếu. Dự báo kim ngạch xuất khẩu da giày - túi xách của Việt Nam năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm ngoái”, bà Xuân nói.
Đáng chú ý, theo vị Phó Chủ tịch Lefaso, đã có một số khách hàng từ Mỹ đặt vấn đề chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, song còn xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là nội lực của các doanh nghiệp Việt.
Chính sách tỷ giá nên tiếp tục linh hoạt
Để ứng phó với diễn biến tỷ giá trên thị trường, theo ông Đặng Đức Anh, một chính sách tỷ giá linh hoạt, định hướng ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô là cần thiết.
“Không hẳn Trung Quốc phá giá thì Việt Nam cũng làm theo, bởi động thái tỷ giá cần được cân nhắc kỹ giữa các bài toán thiệt hơn”, ông Đức Anh nói.
Theo đó, mặt được của việc giảm giá VND là tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là nguyên vật liệu phục vụ xuất khẩu sẽ đắt hơn.
Trong khi đó, nếu giữ ổn định giá trị VND, hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn, làm tăng lợi thế về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy, về lâu dài, việc duy trì tình trạng nhập khẩu nguyên phụ liệu giá rẻ có thể làm triệt tiêu nỗ lực sản xuất các loại hàng hóa nguyên phụ liệu hay lệ thuộc ngày càng lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
“Do đó, các động thái tỷ giá cần tính toán kỹ về thời điểm và liều lượng để có hiệu quả tốt nhất. Những năm gần đây, chính sách tỷ giá đã được điều chỉnh rất linh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố hỗ trợ việc giữ giá VND như kinh tế ổn định, dự trữ ngoại hối tốt, dòng vốn đầu tư dồi dào. Vì vậy, việc xác định mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND với mức độ dao động khoảng 2% cho cả năm nay là phù hợp”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về việc nên giữ ổn định tỷ giá, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia ngân hàng, cho rằng: “Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa nguyên liệu thô nên không nhất thiết phải khuyến khích xuất khẩu bằng mọi cách. Về chính sách tỷ giá, nên điều chỉnh nhịp nhàng theo thị trường như cách Ngân hàng Nhà nước làm trong thời gian gần đây. Cơ quan điều hành đã có kinh nghiệm điều hành tỷ giá từ những năm trước nên tôi tin là sẽ có cách ứng phó phù hợp”.