Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, tiền Việt ảnh hưởng gì?

THeo Phương Linh/plo.vn

Việt Nam còn rất nhiều công cụ để ổn định tỉ giá và đồng Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ngành dệt may là một trong những ngành sẽ mua được nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc nhờ nhân dân tệ mất giá. Nguồn: plo.vn
Ngành dệt may là một trong những ngành sẽ mua được nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc nhờ nhân dân tệ mất giá. Nguồn: plo.vn

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã chủ động giảm giá nhân dân tệ (NDT) để đối phó cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Với độ mở kinh tế khá lớn và là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, tiền đồng Việt Nam chịu nhiều sức ép trước động thái này.

Chưa bị tác động ngay lập tức

Ngay khi các bên đang lạc quan về một triển vọng đình chiến thương mại, bất ngờ Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5 và dự kiến sẽ sớm áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa khác. NDT lập tức mất giá 0,8% so với USD, hiện ở mức 1 USD đổi được khoảng 6,787 NDT.

Sự mất giá của NDT chưa dừng lại ở đó khi vào ngày 14/5, để trả đũa Mỹ, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng tiền của mình, lên mức 6,8365 CNY/USD.

Động thái trên khiến diễn biến tỷ giá tiền đồng và NDT có những thay đổi đáng kể. Theo Tổng cục Hải quan, tỷ giá VND/NDT vào ngày 8/4 là 3.421,92 đồng thì đến nay khoảng 3.402,74 đồng. Điều này cho thấy đồng tiền Việt Nam đang lên giá so với đồng tiền Trung Quốc, với mức tăng 0,5% so với NDT.

Chị Nguyễn Phượng, Giám đốc Công ty may tư nhân HĐ, cho biết vì sản xuất quần áo nên hầu hết nguyên phụ liệu dệt may mua từ Trung Quốc và giao dịch bằng NDT nhưng đến thời điểm này, giá mua nguyên liệu chưa có biến động lớn.

“Nguyên nhân do giá theo hợp đồng từng quý nên đã cố định và có tính toán rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu NDT tiếp tục giảm giá mạnh, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại hợp đồng, theo hướng giá mua nguyên phụ liệu sẽ rẻ đi” - chị Phượng cho biết.

Không chỉ có màu hồng

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những yếu tố tích cực, việc Trung Quốc phá giá NDT tác động không nhỏ đến Việt Nam, đặc biệt là tiền Việt Nam. TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Nếu NDT giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để tạo ra tỉ lệ nội địa hóa tăng cao.

“Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá NDT/USD giảm mạnh, tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỉ giá đồng Việt Nam và USD” - ông Hiếu cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nhìn nhận NDT giảm giá mạnh thì hàng nhập Trung Quốc rẻ hơn và ngược lại, hàng Việt Nam đắt hơn khi xuất vào Trung Quốc. Với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực.

“Nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc” - ông Nghĩa gợi ý.

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, nói: Nhìn về cách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua cho thấy cơ quan này đóng vai trò rất tốt cân đối cung cầu ngoại tệ, ổn định tỉ giá. Qua đó cũng cho thấy Việt Nam không theo đuổi chính sách phá giá nội tệ để giành lợi thế thương mại như một vài nền kinh tế mới nổi khác. Mục tiêu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tái cấu trúc kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, ông Quang Anh cho rằng để tăng giá trị cho đồng Việt Nam thì phải tăng nội lực nền kinh tế thông qua nâng cao vai trò hơn nữa doanh nghiệp nội địa, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như cải thiện bội chi ngân sách.

Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI nhận định Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của NDT sẽ có tác động nhất định đến VND. Tuy nhiên, sự mất giá của NDT ảnh hưởng đến tiền đồng phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý. Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỉ giá và đồng Việt Nam, vì vậy nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, đánh giá việc Trung Quốc phá giá đồng tiền liên quan đến cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc, Việt Nam chưa bị tác động ngay lập tức. Trước mắt đang có nhiều tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đồng tiền Trung Quốc mất giá. Đó là sẽ mua được nguyên vật liệu giá rẻ vì nhiều công ty Việt chọn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất thành phẩm và sau đó bán nội địa hoặc xuất khầu.

“Điều này giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt và tăng biên lợi nhuận. Mặt khác, các doanh nghiệp vay nợ bằng NDT sẽ cảm thấy khoản nợ giảm đi rõ rệt vì tiền đồng Việt lên giá so với NDT” - ông Hiếu phân tích.

Trung Quốc không dám mạnh tay phá giá nhân dân tệ

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá NDT, coi đây là một công cụ để kích thích xuất khẩu hàng của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá khi Trung Quốc phá giá nội tệ thì nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng, ngoài tầm kiểm soát và gây thách thức cho nền kinh tế với áp lực lạm phát tăng, dòng vốn đầu tư đảo chiều; sự sụt giảm tại các thị trường tài sản nhạy cảm như thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng khả năng Trung Quốc phá giá mạnh đồng tiền là khó xảy ra vì Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ và đang tiến trình quốc tế hóa NDT.

Mặt khác, trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ sẽ áp thuế mạnh đối với Bắc Kinh trong trường hợp NDT bị mất giá hơn nữa.

Trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận sức ép lên tỉ giá đến từ nhiều phía nhưng không đến mức quá căng thẳng, vì quan trọng là cơ quan này đang chủ động trong điều hành. Đồng thời, dự trữ ngoại hối của VN cũng đang ở mức kỷ lục sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào từ đầu năm tới nay.

Đơn vị này nhiều lần nhấn mạnh sẽ điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường; kết hợp đồng bộ các công cụ, biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.