USD mạnh “chia rẽ” ngân hàng trung ương các nước châu Á
Việc USD tăng giá đã đẩy ngân hàng trung ương các nước châu Á về các hướng khác nhau: một số thở phào nhẹ nhõm, trong khi một số chứng kiến đồng tiền của mình mất giá với sự bối rối.
Sau khi vật lộn làm đồng nội tệ yếu đi để hỗ trợ cho xuất khẩu và kích thích lạm phát, ngân hàng trung ương một số nền kinh tế phát triển tại châu Á, trong đó có Nhật Bản và Australia cảm thấy nhẹ nhõm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang làm giúp công việc này. Bởi từ khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc với kết quả đầy bất ngờ, cùng kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra (13-14/12), đồng USD đã không ngừng tăng giá, khiến đồng tiền của các nền kinh tế châu Á suy yếu.
Trong khi đó, với các nền kinh tế mới nổi như Malaysia và Indonesia, việc đồng nội tệ trượt giá đã phơi bày những mất cân bằng trong nền kinh tế khi các khoản nợ bằng ngoại tệ gia tăng giá trị và tạo nên nguy cơ giá cả tăng lên, làm cạn kiệt quỹ dự trữ ngoại tệ.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua tạo nên kỳ vọng các chính sách kinh tế của chính quyền mới sẽ kích thích lạm phát, dẫn tới bước đi nhanh hơn của Fed trong việc nâng lãi suất. Tại thị trường tương lai, các nhà giao dịch đánh giá 100% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 12, so với mức 68% đầu tháng 12. Điều này đồng nghĩa với việc, áp lực mà ngân hàng trung ương các quốc gia châu Á phải gánh chịu sẽ chưa sớm tan biến.
Phe hưởng lợi
Ngân hàng Trung ương New Zealand trong thời gian qua luôn phải thận trọng trong kiểm soát sức mạnh của đồng nội tệ, bởi việc này có thể gia tăng thêm áp lực giảm phát. Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand John McDermott cho biết, ông lo ngại sẽ phải hạ thêm lãi suất nếu cần thiết khi đồng nội tệ tăng giá. Hiện tại, mối lo ngại này đã phần nào giảm bớt.
Dù đồng tiền Australia (AUD) đã giảm giá 25% so với USD trong 3 năm qua, việc AUD tăng giá gần đây vẫn khiến Ngân hàng Trung ương Australia “bực mình”. Bởi quốc gia này đang muốn nền kinh tế bớt phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, chuyển sang xuất khẩu dịch vụ, điều mà đồng tiền yếu sẽ hỗ trợ tích cực.
Trong số các nền kinh tế phát triển tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia phải nỗ lực nhiều nhất đề kiềm chế đà tăng của đồng yên, điển hình là việc sử dụng gói nới lỏng tiền tệ giá trị khủng, đưa lãi suất về mức âm, làm đồng yên giảm giá để hỗ trợ xuất khẩu và kích thích đà tăng của thị trường chứng khoán.
“Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là người vui mừng nhất khi USD mạnh lên, bởi điều này đồng nghĩa với việc Fed đã làm giúp họ công việc khó khăn này”, Mary Nicola, chiến lược gia tại Aviva Investors Asia Ltd cho biết.
Hàn Quốc và Thái Lan cũng là các quốc gia thở phào nhẹ nhõm khi đồng USD bởi đồng tiền yếu giúp hàng hóa từ 2 quốc gia này có lợi thế hơn trên thị trường.
Bên chịu thiệt
Với Malaysia, tốc độ giảm giá nhanh chóng của đồng nội tệ (ringgit) sẽ gây khó khăn cho chính quyền hiện tại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương lo lắng về cuộc bầu cử trong năm tới, Julian Wee, chiến lược gia trưởng tại National Australia Bank Ltd cho biết.
Quỹ dự trữ ngoại tệ của Philippines, Indonesia, Thái Lan tăng gần gấp đôi so với cách đây 1 thập kỷ, trong khi Malaysia ít có sự thay đổi.
Việc đồng tiền yếu cũng khiến ngân hàng trung ương Indonesia lo lắng, tuy không nhiều như Malaysia, Toru Nishihama, nhà kinh tế học thị trường mới nổi tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Tokyo) cho biết. Thực tế, quốc gia này đã có nhiều động thái mạnh tay với thị trường tiền tệ kể từ đầu năm tới nay, bao gồm hạ lãi suất 6 lần. Trong tuần trước, ngân hàng trung ương nước này cho biết sẽ cân nhắc tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ để giảm thiểu sự bất ổn.
“Người quan sát”
Trong bối cảnh đồng tiền của các quốc gia châu Á khác yếu đi, việc USD mạnh không khiến ngân hàng trung ương Ấn Độ và Trung Quốc phải lo lắng. Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, Trung Quốc có quỹ dự trữ ngoại tệ “đầy đủ”, đồng nhân dân tệ vẫn duy trì được sức mạnh so với các đồng tiền hiện vẫn được các ngân hàng trung ương kiểm soát. Dòng vốn sẽ sớm quay trở lại Đại lục khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi và môi trường kinh doanh được cải thiện.