Ngày 14/3/2013, Chính phủ có Văn bản số 107/ TTr-CP trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN. Đã có rất nhiều ý kiến thống nhất đề xuất giảm mức thuế suất chung xuống dưới 25%, đồng thời xem xét khôi phục lại việc ưu đãi thuế đối với một số khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta đưa thuế suất chung xuống mức cụ thể là bao nhiêu? Có công bố ngay lộ trình không? Khôi phục ưu đãi thuế đến mức nào? Nguồn nào sẽ bù đắp cho số thuế thiếu hụt và khả năng chịu đựng của ngân sách ra sao?...
Các đề xuất về giảm thuế suất thuế TNDN
Luật Thuế TNDN hiện hành (2008) quy định thuế suất áp dụng chung là 25%; hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác áp dụng mức thuế cao hơn (từ 32% đến 50%) tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ. Để định hướng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, Luật quy định mức thuế suất ưu đãi có thời hạn tương ứng là 20% và 10%.
Để thực hiện Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Chính phủ trình giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23% từ năm 2014. Đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (thỏa mãn 2 tiêu chí sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) sẽ được áp dụng thuế suất 20%. Đề xuất này vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực và không gây tác động giảm thu đột ngột, tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, đồng thời không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Cơ sở của đề xuất 2 tiêu chí DN được áp dụng thuế suất 20% được dựa trên tiêu chí lao động theo mức bình quân giữa các ngành của Nghị định số 56/2009/ NĐ-CP dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu theo dõi, cập nhật tờ khai thuế của ngành Thuế (63 Cục thuế và 75 Chi cục thuế lớn). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đa số các nước sử dụng đồng thời 02 tiêu chí trở lên để xác định DN được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông. Ví dụ: Pháp sử dụng tiêu chí doanh thu và thu nhập; Lithuania sử dụng tiêu chí lao động và thu nhập hoặc Trung Quốc sử dụng đồng thời 03 tiêu chí về số lao động, doanh thu và tổng tài sản. Một số nước khác sử dụng 01 trong 02 tiêu chí doanh thu hoặc lao động (Malaysia) hoặc chỉ sử dụng 01 tiêu chí là thu nhập như Hàn Quốc, Thái Lan...
Với đề xuất của Chính phủ, dự kiến thu NSNN từ thuế TNDN sẽ giảm đi mỗi năm khoảng 12.064 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến NSNN từ năm 2014 sẽ giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng, đưa tổng số giảm thu lên 14.064 tỷ đồng. Có ý kiến đề xuất đưa thuế suất chung xuống 20% ngay từ năm 2014 (giữ mức 32% đến 50% đối với khai thác dầu khí và tài nguyên qúy hiếm) để tăng mức độ hấp dẫn đối với cả DN quy mô lớn, có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận, đồng thời giảm nhẹ được chi phí quản lý, tạo sức ép để tăng tính cạnh tranh trong cộng đồng DN.
Nghiên cứu đề xuất này cho thấy, ưu điểm là tăng mức độ hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, do mức 20% có tính cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, phương án này có tác động quá lớn đến cân đối NSNN như: Số thu từ năm 2014 giảm đi khoảng 30.160 tỷ đồng/ năm; nếu tính thêm cả số giảm thu về thuế thu nhập cá nhân theo Luật số 26/2012/QH13 (khoảng 13.350 tỷ đồng mỗi năm) và việc bổ sung ưu đãi thuế kéo theo giảm thu khoảng 2.081 tỷ đồng... thì tổng số giảm thu NSNN năm 2014 lên tới 45.591 tỷ đồng.
Việc đề xuất công bố ngay lộ trình giảm thuế TNDN với biện pháp ưu tiên cho các DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng sớm mức thuế suất 20% có ưu điểm tạo sự minh bạch hơn trong chính sách, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cũng không ảnh hưởng lớn tới số thu NSNN. Đây là những DN có khó khăn hơn, dễ bị tổn thương nhưng lại chiếm số đông (gần 88% số DN hiện có) và thu hút được nhiều việc làm cho xã hội.
Phương án hợp lý có thể cân đối được giữa nhu cầu ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn của NSNN mà vẫn tạo thêm động lực khuyến khích đầu tư là đề xuất kết hợp của 2 phương án nêu trên. Theo đó, đề xuất Quốc hội quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016 (hoặc từ 2017); đồng thời, giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% ùy theo lĩnh vực, địa bàn được Luật quy định. Đề xuất này có được những ưu điểm sau đây:
- Thứ nhất, việc công bố trước lộ trình áp dụng thuế suất 20% cho phép DN chủ động trong việc lựa chọn, ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ và kéo theo tác động thị trường sớm được phục hồi.
- Thứ hai, sẽ có tác động mạnh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài do mức thuế suất này có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, nhất là việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc (hiện các nhà đầu tư từ các nước này đang rất chú ý tới môi trường đầu tư của Việt Nam);
- Thứ ba, việc quy định lộ trình thuế suất ngay trong Luật cũng đã có tiền lệ từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và thực tế có hiệu quả (ví dụ, quy định lộ trình về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người trong lần sửa đổi năm 2003, tăng thuế mặt hàng bia trong lần sửa đổi năm 2009).
- Thứ tư, việc quy định trước lộ trình áp dụng thuế suất 20% sẽ không gây tác động giảm thu NSNN đột ngột của năm 2014 và 2015.
Có thể nói, việc đề xuất công bố ngay lộ trình giảm thuế với biện pháp ưu tiên cho các DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng sớm mức thuế suất 20% còn có ưu điểm tạo sự minh bạch hơn trong chính sách, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cũng không ảnh hưởng lớn tới số thu NSNN. Đây là những DN có khó khăn hơn, dễ bị tổn thương nhưng lại chiếm số đông (gần 88% số DN hiện có) và thu hút được nhiều việc làm cho xã hội. Việc sử dụng tiêu chí doanh thu và số lao động sử dụng bình quân cần phải có nguyên tắc để DN và cơ quan quản lý xác định được ngay. Theo đó, những DN đang hoạt động thì dựa vào số bình quân thực tế của 02 năm trước liền kề; DN mới hoạt động chưa đủ 2 năm thì dựa trên số liệu của năm đầu tiên; Đối với DN thành lập mới thì việc xác định trong kỳ tính thuế đầu tiên dựa trên doanh thu tạm tính, số lao động đăng ký sử dụng và sẽ điều chỉnh theo số thực tế khi DN quyết toán thuế năm.
Đề xuất về các quy định ưu đãi thuế
Luật Thuế TNDN hiện hành quy định 2 hình thức ưu đãi thuế là thuế suất ưu đãi có thời hạn và thời gian được miễn thuế, giảm thuế đối với một số lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Theo đó, mức ưu đãi cao nhất (mức thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo) dành cho các DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Đối với dự án cần đặc biệt khuyến khích đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian ưu đãi thuế suất có thể kéo dài thêm (tối đa thêm 15 năm nữa). DN thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (lĩnh vực xã hội hóa) được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động này. Mức ưu đãi thấp hơn với thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế TNDN tối đa 2 năm, giảm 50% số thuế tối đa trong 4 năm tiếp theo được áp dụng đối với DN thành lập mới từ dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20%. Cũng theo quy định của Luật hiện hành thì không áp dụng ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng, các DN thành lập mới trong các khu công nghiệp không còn được ưu đãi thuế như trước đây (các DN được cấp ưu đãi trước đó thì được bảo lưu đến hết thời hạn).
Qua tổng hợp ý kiến đóng góp Dự thảo Luật cho thấy, đa số đều có đề xuất không sửa đổi mức thuế suất ưu đãi thuế, thời gian áp dụng thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế 50%. Tuy nhiên, cần rà soát khôi phục một phần quy định về ưu đãi thuế đối với một số trường hợp đầu tư mở rộng, DN thành lập mới trong khu công nghiệp, bổ sung quy định rõ hơn, cụ thể hơn để thực hiện được những trường hợp ưu đãi thuế đang quy định trong các luật chuyên ngành đang còn hiệu lực mà lâu nay không thực hiện được.
Chúng tôi cho rằng, các đề xuất đó cần được tiếp thu và xin được trao đổi cục thể như sau:
- Một là, ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô. Đây là loại hình DN xã hội mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà Luật Thuế TNDN hiện hành chưa có quy định về ưu đãi thuế đối với loại hình này.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì, tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và DN siêu nhỏ. Hoạt động của các tổ chức này có nhiều điểm đặc thù so với các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân như chủ yếu hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, cung cấp dịch vụ tới tận tay cá nhân, thông qua đó kết hợp đào tạo, hướng dẫn, giúp đỡ cá nhân nâng cao năng lực, nâng cao vị thế của phụ nữ, tự hoạt động để xóa đói nghèo. Với ý nghĩa xã hội to lớn đó, thời gian qua Chính phủ đã vận dụng quy định thuế suất 20% như mức đang áp dụng đối với các quỹ tín dụng nhân dân tại Nghị định số 122/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 124/2008/NĐ-CP. Để chính sách rõ ràng, minh bạch và tạo cơ sở pháp lý cao, nay đề nghị Quốc hội bổ sung vào quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật thuế TNDN.
- Hai là, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng cần được Nhà nước cần quan tâm. Để tăng cường an sinh xã hội, cần thiết bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN để khuyến khích DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.
Tính đến đặc thù của các dự án nhà ở xã hội: mỗi dự án chính là một sản phẩm được hoàn thành ngay nên nếu quy định ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế thì có khả năng không thu được thuế hoặc DN (nếu bán hết ngay trong năm được miễn) hoặc cũng có thể DN không được ưu đãi nếu trong năm miễn thuế không bán được sản phẩm do quy trình bình xét người mua rất chặt chẽ. Vì vậy, ưu đãi thuế được đề xuất là áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở (không áp dụng miễn, giảm thuế).
- Ba là, ưu đãi thuế đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí và hoạt động xuất bản theo quy định của pháp luật. Thực tế vừa qua cho thấy hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo chí bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí trong hoạt động báo in, các cơ quan xuất bản trong hoạt động xuất bản và tạo điều kiện giúp cơ quan báo chí, xuất bản có nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xin đề xuất với Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật thuế TNDN quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với hoạt động báo in và hoạt động xuất bản. Các cơ quan báo chí, xuất bản nếu phát sinh (những hoạt động khác như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch...) thì phải nộp theo mức thuế suất chung.
- Bốn là, bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với các hoạt động của DN liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định ưu đãi thuế đối với các hoạt động này của DN.
Qua rà soát cho thấy, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 4 Điều 13 Luật Thuế TNDN theo hướng: (i) Bổ sung vào diện được áp dụng thuế suất ưu đãi cao nhất (10%) đối với thu nhập của DN từ thực hiện các dự án đang thuộc diện đặc biệt khuyến khích đầu tư (như: trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hoá hoặc vùng nước chưa được khai thác, đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ, sản xuất giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới và sản xuất, khai thác, tinh chế muối); (ii) Bổ sung vào diện được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% đối với thu nhập của DN từ thực hiện các dự án đang thuộc diện khuyến khích đầu tư (như: trồng cây dược liệu; dự án đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; dự án sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản, dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; dự án sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng và vật nuôi; phát triển ngành nghề truyền thống).
- Năm là, bổ sung vào diện áp dụng ưu đãi thuế đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường; phát triển công nghệ sinh học; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch: Đây là các lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP và thực tế vẫn cần thiết phải khuyến khích đầu tư ở mức cao. Tuy nhiên, chưa có quy định về ưu đãi thuế trong Luật Thuế TNDN hiện hành mà mới chỉ có quy định áp thuế suất 10% đối với thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Để khắc phục bất cập này và cũng là góp phần thực hiện chủ trương phát triển bền vững, nay xin đề xuất với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 14 Luật Thuế TNDN để quy định rõ: DN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nêu trên được áp dụng thuế suất 10 % trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
- Sáu là, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc để thực hiện được ưu đãi thuế theo quy định của Luật Công nghệ cao. Luật Thuế TNDN quy định DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại khu công nghệ cao; DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Luật Công nghệ cao quy định, DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Tuy nhiên, Luật Thuế TNDN hiện hành chỉ quy định ưu đãi đối với DN thành lập mới, không có quy định ưu đãi thuế cho DN đang hoạt động. Do vậy, nếu theo quy định của Luật thuế hiện hành thì các DN này sẽ không thể được hưởng ưu đãi thuế.
Để khắc phục bất cập này, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 13 và khoản 1, khoản 3 Điều 14 nội dung: DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi được công nhận là DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tương tự, cần có quy định rõ đối với DN thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, dự án ươm tạo công nghệ cao, DN công nghệ cao thì áp dụng thuế suất ưu đãi 10%.
- Bảy là, bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp (KCN). Để thu hút đầu tư vào KCN, đề xuất bổ sung vào khoản 2 Điều 14 Luật Thuế TNDN quy định việc ưu đãi thuế đối với DN thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các Thành phố trực thuộc Trung ương). Mức ưu đãi thuế cần được quy định thấp hơn trước đây, cụ thể là chỉ nên quy định miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo (không ưu đãi về thuế suất).
- Tám là, khôi phục một phần ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả, xin đề xuất bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 14 Luật thuế TNDN theo hướng bổ sung quy định miễn thuế, giảm thuế đối với dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật này nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất...
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thuế TNDN 2008 và các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện;
2. Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020;
3. Luật Đầu tư 2005; Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn thi hành;
4. Tờ trình của Chính phủ số 107/TTr ngày 14/3/2013 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
5. Tổng hợp ý kiến đóng góp của các địa phương và cộng đồng DN về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Một số vấn đề đặt ra
(Tài chính) Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là ưu đãi thuế TNDN. Bài viết phân tích các đề xuất điều chỉnh thuế suất và ưu đãi thuế TNDN; đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện pháp luật về thuế TNDN…
Xem thêm