Vai trò của quỹ hưu trí đối với thị trường chứng khoán và hệ thống hưu trí đa trụ cột

Khuất Thị Kiều Vân - Vụ Quản Lý các công ty QLQ và Quỹ ĐTCK

Các quỹ hưu trí là một phần quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia. Davis (1995a) trong một nghiên cứu của mình đã định nghĩa: "Các Quỹ hưu trí là một dạng nhà đầu tư có tổ chức, tiến hành thu, tập hợp và đầu tư các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động để phục vụ cho các lợi ích khi nghỉ hưu của người lao động".

Vai trò của quỹ hưu trí đối với thị trường chứng khoán và hệ thống hưu trí đa trụ cột
Tài sản của Quỹ hưu trí có thể được quản lý nội bộ hoặc được thuê quản lý. Nguồn: Internet

Do đó, các quỹ hưu trí cho phép các cá nhân tích lũy các khoản tiết kiệm của mình trong suốt thời gian làm việc nhằm đảm bảo cho những nhu cầu tiêu dùng khi về hưu dưới dạng chi trả một khoản tiền trọn gói, hoặc những khoản tiền cố định hàng tháng. Ngoài ra, các quỹ hưu trí còn tạo nguồn vốn cho những người/tổ chức có nhu cầu như các doanh nghiệp, các hộ gia đình và Chính phủ dưới dạng các khoản đầu tư hoặc tiêu dùng.

Trong bản Hướng dẫn về cấp phép cho các quỹ hưu trí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2008, quỹ hưu trí được định nghĩa là một tập hợp tài sản được đóng góp vào quỹ nhằm mục đích tài trợ cho những lợi ích hưu trí của người hưởng lợi (beneficiaries). Các thành viên của quỹ có quyền lợi hợp pháp đối với các tài sản của quỹ.

Các quỹ hưu trí có thể được tổ chức dưới dạng một quỹ tín thác (một quỹ độc lập có tư cách pháp nhân) hoặc một quỹ không có tư cách pháp nhân do một Công ty quản lý quỹ (QLQ) hoặc một tổ chức tài chính thay mặt cho các thành viên của quỹ quản lý. Các quỹ hưu trí thường được đóng góp bởi người sử dụng lao động (các công ty, tập đoàn, hoặc công đoàn) và người lao động. Tài sản của quỹ có thể được quản lý nội bộ hoặc được thuê quản lý. Các khoản chi trả cho thành viên của quỹ hưu trí phụ thuộc vào tình hình thị trường tài chính hoặc tỷ lệ sinh lời tùy thuộc vào mô hình của quỹ là đóng góp xác định (DC) hay có mức hưởng xác định (DB).

Các quỹ hưu trí đã phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây ở nhiều nước, cả về quy mô so với GDP và so với hệ thống ngân hàng. Do các khoản đóng góp vào quỹ thường không được phép rút ra sớm, nên quỹ hưu trí luôn có nguồn tài sản dài hạn để đầu tư và nắm giữ các tài sản tài chính, kể cả những tài sản có độ rủi ro cao và tỷ lệ lợi nhuận cao. Thông thường, tài sản của các quỹ hưu trí được dùng để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chính phủ (TPCP), bất động sản (BĐS), tài sản nước ngoài, các công cụ trên thị trường tiền tệ và các khoản tiền gửi.

Vai trò của quỹ hưu trí đối với TTCK

Có thể thấy, theo định nghĩa, quỹ hưu trí có đầy đủ các đặc điểm của nhà đầu tư có tổ chức, bao gồm: (1) Tập hợp rủi ro và cung cấp các giải pháp phòng ngừa rủi ro tốt hơn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ; (2) Lợi thế về đa dạng hóa đầu tư bằng cách nắm giữ nhiều loại tài sản khác nhau (cả cố phiếu, trái phiếu và các tài sản khác), cả trong nước và nước ngoài; (3) Thanh khoản tốt hơn, đồng thời giúp tăng cưởng thanh khoản cho thị trưởng; (4) Khả năng thu nhận và xử lý thông tin tốt hơn so với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên thị trưởng; (5) Lợi thế quy mô nhở lượng vốn lớn, giao dịch lớn, do đó, chi phí cho mỗi nhà đầu tư thấp hơn.

Với tư cách là nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ hưu trí đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính. Các quỹ hưu trí góp phần thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường bằng cách tác động vào cấu trúc của thị trường chứng khoán (TTCK) do quỹ luôn có nhu cầu về thanh khoản và những giao dịch quy mô lớn. Ngược lại, quỹ hưu trí cũng tạo thanh khoản cho thị trường thông qua các hoạt động giao dịch thường xuyên với khối lượng lớn và bản chất phòng ngừa rủi ro của quỹ. Do đó, quỹ hưu trí giúp tăng cường tính hiệu quả của thị trường, giảm chi phí vốn và giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng trong việc tạo thanh khoản cho thị trường tài chính. Với việc tích lũy tài sản dài hạn, các quỹ hưu trí có xu hướng đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản và dài hạn để có lợi nhuận cao hơn, do đó, góp phần tăng nguồn cung vốn dài hạn cho thị trưởng (Davis, 1995).

Do đặc tính tập hợp vốn từ nhiều cá nhân trong thời gian dài, tài sản của các quỹ hưu trí trên phạm vi toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Theo thống kê của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng tài sản của các nhà đầu tư tổ chức năm 2003 so với năm 1990 đã tăng gần gấp 3 lần, trong đó, tài sản của các quỹ hưu trí toàn cầu tăng hơn 4 lần, và có giá trị lớn nhất so với các nhà đầu tư tổ chức khác (công ty bảo hiểm, công ty đầu tư và quỹ phòng ngừa rủi ro). Nếu so với GDP của các nước thuộc khối OECD, tổng tài sản của các quỹ hưu trí chiếm hơn 50% GDP năm 2003 và gần 50% năm 2004, chỉ đứng sau các công ty đầu tư. Đối với các nước phát triển, quỹ hưu trí là nhà đầu tư tổ chức năm giữ lượng tài sản rất lớn. Tại Mỹ, Pháp, các quỹ hưu trí là nhà đầu tư tổ chức có lượng tài sản lớn thứ nhì, chỉ đứng sau các công ty đầu tư (quỹ đầu tư). Công cụ tài chính mà các quỹ hưu trí nắm giữ chủ yếu là TPCP (33% giá trị danh mục năm 1997 và 27% năm 2003), và cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước (44% giá trị danh mục năm 1997 và 37% năm 2003). Ngoài ra, quỹ hưu trí còn nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp nước ngoài, trái phiếu nước ngoài, BĐS và tiền mặt, tuy nhiên, tỷ lệ không cao. Tính đến năm 2011, trong số các nước công nghiệp phát triển, Hà Lan và Thụy Sỹ là hai nước có tổng giá trị tài sản của các quỹ hưu trí chiếm 133% và 115% GDP, so với Anh (101% GDP) và Mỹ (107% GDP).

Hệ thống hưu trí đa trụ cột

Năm 1994, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giới thiệu hệ thống hưu trí đa trụ cột trong Báo cáo “Averting the Old Age Crisis”, theo đó, hệ thống hưu trí gồm 3 trụ cột (I, II và III). Tuy nhiên, đến năm 2005, WB bổ sung thêm hai trụ cột 0 và IV (Hình 1). Hệ thống hưu trí đa trụ cột được áp dụng rộng rãi tại các nền kinh tế lớn ở phương Tây và châu Á, như Mỹ, Nhật Bản và Thái Lan. Mục đích của hệ thống đa trụ cột là tách bạch các mục tiêu chính của chương trình hưu trí.

Trụ cột 0 (Zero Pillar - Base or social pension): bao gồm các quỹ trợ cấp xã hội. Các quỹ này chủ yếu hình thành từ ngân sách nhà nước (NSNN), tập trung vào việc xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu tái phân phôi, nhằm đảm bảo cho người già có mức trợ cấp tối thiểu.

Trụ cột I (First Pillar - Mandatory publicly managed pension) là quỹ hưu trí bắt buộc do nhà nước quản lý, gọi tắt là quỹ hưu trí bắt buộc. quỹ này hình thành chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và có thể được bổ sung thêm từ NSNN. quỹ hưu trí bắt buộc được triển khai thông qua một tổ chức riêng và thường vận hành theo cơ chế thực thu thực chi (Pay As You Go - PAYG), theo đó, nguồn thanh toán lương hưu được trích từ các khoản đóng góp của những người đang lao động. Có nghĩa là thế hệ người lao động hiện tại thanh toán trợ cấp hưu trí cho người đã nghỉ hưu. Như vậy, trong cơ cấu quỹ này, không có nguồn dành riêng để chi trả cho thế hệ hưu trí trong tương lai, nói cách khác, đây là loại hình quỹ không được cấp vốn - unfunded funds. Tại Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội có thể coi là trụ cột số 1 của hệ thống an sinh xã hội theo chuẩn quốc tế.

Do quỹ hưu trí bắt buộc được Nhà nước quản lý và hỗ trợ kinh phí, vì vậy, người lao động có thể được hưởng chế độ ngay sau khỉ về hưu. Điểm đặc biệt quan trọng là quỹ này có chức năng phân phối lại thu nhập (redistribution), cụ thể bảo đảm trơ cấp tối thiểu cho người có thu nhập thấp, trợ cấp thất nghiệp, mất sức. Tuy nhiên, đây là loại hình quỹ có mức hưởng lợi xác định dựa trên thu nhập (Defined Benefits), vì vậy, quỹ luôn chịu gánh nặng chi trả lớn và tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính. Tình trạng mất cân đối tài chính của quỹ dạng này có nhiều nguyên nhân, đặc biệt khi dân số già hóa, số lượng người đóng bảo hiểm ít hơn số người hưởng  lương hưu.

Trụ cột II (Second Pillar - Mandatory privately managed pension) là quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý. quỹ được hình thành chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và từ người lao động. Tuy nhiên, quỹ này do khu vực tư nhân tự quản lý (thông qua các công ty QLQ), và chịu sự điều chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước. Các quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý hiện nay thường ở dạng quỹ có mức đóng góp xác định (Defined Contribution), theo đó, trợ cấp hưu trí mà người tham gia hưu trí nhận được phụ thuộc vào mức đóng góp và lợi nhuận đầu tư. Do quỹ này không có chức năng phân phối lại thu nhập. Vì vậy, trợ cấp hưu trí từ những quỹ của trụ cột II rất có thể không bảo đảm mức sống đối với những người có thu nhập thấp và mức đóng góp thấp, hoặc do lợi nhuận đầu tư thấp vì các nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế kéo dài, khủng hoảng tài chính làm thất thoát các khoản đầu tư. Nhìn chung, quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý có thể được coi như một dạng tiết kiệm bắt buộc (compulsory saving) mà Nhà nước yêu cầu người hưởng lương hưu phải thực hiện trong quá trình lao động.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý chỉ là nguồn tài chính hỗ trợ thêm cho người hưởng lương hưu bên cạnh khoản lương nhận thanh toán từ các quỹ hưu trí bắt buộc tại trụ cột I. Cùng với quỹ hưu trí bắt buộc tại trụ cột I, các quỹ hưu trí trụ cột II góp phần làm tăng thu nhập của người lao động sau khi nghỉ hưu. Điểm đặc biệt của trụ cột II là người tham gia hệ thống này sẽ được hưởng lợi tức và nhận thanh toán từ chính các khoản tiền đóng góp của mình, chứ không phải của những người đang lao động. Các khoản đóng góp được đầu tư vào thị trường vốn cho đến khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Các khoản đóng góp và thu nhập, lợi tức đầu tư đều được hạch toán riêng biệt vào tài khoản lương hưu của từng người tham gia.

Trụ cột III (Third Pillar - Voluntary pension) là quỹ hưu trí tự nguyện. quỹ này chủ yếu do người lao động đóng góp, tuy nhiên cũng có thể có đóng góp thêm từ người sử dụng lao động. quỹ này hoàn toàn do người lao động quyết định về mức đóng góp, và được quản lý bởi các công ty QLQ. Hoạt động của quỹ này

Trụ cột III (Third Pillar - Voluntary pension) là quỹ hưu trí tự nguyện. quỹ này chủ yếu do người lao động đóng góp, tuy nhiên cũng có thể có đóng góp thêm từ người sử dụng lao động. quỹ này hoàn toàn do người lao động quyết định về mức đóng góp, và được quản lý bởi các công ty QLQ. Hoạt động của quỹ này

chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định pháp luật và cơ quan quản lý giống như các quỹ đầu tư. Bản chất của quỹ này gần như dạng đầu tư tài chính thông thường, nhưng được khuyến khích bởi chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước. Lý do được hưởng ưu đãi là, cùng với quỹ hưu trí bắt buộc do Nhà nước quản lý (trụ cột I) và quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý (trụ cột II), quỹ hưu trí tự nguyện sẽ góp phần làm giảm gánh nặng của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Trụ cột IV (Fourth Pillar - Voluntary non-pension) là các khoản đóng góp tự nguyện, trợ cấp không hình thành quỹ lương hưu, ví dụ như các hình thức viện trợ, các quỹ từ thiện...

Nhìn chung, mỗi trụ cột có những ưu điểm và hạn chế riêng, tuy nhiên, một hệ thống an sinh xã hội được coi là hoàn chỉnh khỉ nó dựa trên tất cả các trụ cột này, và các trụ cột này có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng lương hưu, giảm gánh nặng cho NSNN. Vì vậy, WB đã và đang nỗ lực quảng bá, hỗ trợ nhiều quốc gia cải cách hệ thống an sinh xã hội, theo hướng dựa trên tối thiểu ba trụ cột căn bản: quỹ hưu trí bắt buộc (trụ cột I), quỹ hưu trí bổ sung (trụ cột II) và quỹ hưu trí tự nguyện (trụ cột III).

Cho đến hiện tại, 151/193 quốc gia trên thế giới đều dựa trên Trụ cột I, có 32 nước có Trụ cột II, trong đó khu vực Đông Âu và Trung Á có số quốc gia có Trụ cột I nhiều nhất, tiếp theo là khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Xu hướng hiện nay cho thấy, hầu hết các nước đều tiến hành cải cách hệ thống hưu trí từ chỗ dựa vào một trụ cột thành hệ thống đa trụ cột. Lý do là vì việc dựa vào duy nhất một trụ cột có những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, hệ thống an sinh xã hội dựa trên duy nhất một trụ cột là quỹ hưu trí bắt buộc do Nhà nước quản lý (trụ cột I) không thể thực hiện được tốt cả 3 chức năng tiết kiệm, tái phân phối và bảo hiểm, đặc biệt trong điều kiện dân số đang già hóa với tốc độ nhanh. Thực tế cho thấy các quỹ do Nhà nước quản lý đều rất khó thực hiện được hết tất cả các chức năng này. Khi dân số trẻ, hệ thông thường đòi hỏi mức đóng góp thấp bởi số thành viên đóng góp nhiều hơn số thành viên nhận lợi ích. Tuy nhiên, khi dân số già hóa và số thành viên đóng góp bị giảm sút, do quỹ đã ấn định mức chi trả cho người hưởng lương hưu, vì vậy để đảm bảo lợi ích hưu trí, thì hoặc là hệ thống đòi hỏi một tỷ lệ đống góp cao hơn, hoặc là Chính phủ phải gánh vác một phần trách nhiệm trợ cấp do quỹ bị thâm hụt. Việc tăng mức đóng góp hoặc tăng thuế để hỗ trợ quỹ hưu trí có thể sẽ gây ra những phản ứng xã hội tiêu cực.

Thứ hai, hệ thống quỹ hưu trí bắt buộc do Nhà nước quản lý dựa trên cơ chế PAYG sẽ không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của thị trường vốn. Các khoản đóng góp của người lao động hiện tại được dùng để trả trực tiếp lương hưu cho những người về hưu, do đó, sẽ không có cơ hội và thời gian để tái đầu tư sinh lợi nhuận và cũng không mang tính chất của một khoản tiết kiệm cho việc nghỉ hưu của người lao động. Như vậy, hệ thống các quỹ này đã không thực hiện tốt chức năng tiết kiệm, chưa tạo ra lợi thế để tích lũy nguồn vốn vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Hệ thống đa trụ cột giúp khắc phục những bất cập của hệ thống an sinh xã hội dựa trên một trụ cột là quỹ hưu trí bắt buộc do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, nếu hệ thống an sinh xã hội chỉ dựa trên trụ cột là các quỹ hưu trí bổ sung, quỹ hưu trí tự nguyện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi chúng làm mất đi chức năng bảo hiểm, gây phân hóa xã hội, khoảng cách giàu nghèo và không bảo đảm được thu nhập sau khi nghỉ hưu khi phụ thuộc vào lợi nhuận đầu tư và hiệu quả đầu tư của các công ty QLQ.