VAMC - công cụ xử lý nợ xấu đặc thù và khả thi

Theo sbv.gov.vn

(Tài chính) Để triển khai xử lý nợ xấu một cách căn bản, ngày 31/5/2013, Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam. Đề án ”Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” với 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai đến năm 2015.

VAMC - công cụ xử lý nợ xấu đặc thù và khả thi
AMC không phải là chiếc đũa thần để xử lý được triệt để nợ xấu. Nguồn: internet
Theo đó 5 nhóm giải pháp gồm: (i) nhóm giải pháp đối với TCTD; (ii) nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD; (iii) nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; (iv) nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và (v) giải pháp thành lập VAMC. Trên cơ sở đó, ngày 26/7/2013, công ty VAMC đã chính thức đi vào hoạt động với nguyên tắc hoạt động của công ty là lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch và hạn chế rủi ro, chi phí trong xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại buổi khai trương hoạt động của VAMC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải khẳng định VAMC không phải là chiếc đũa thần để xử lý được triệt để nợ xấu. Chúng ta chỉ có thể nói rằng đây là một công cụ góp phần với nhiều công cụ khác để xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Do vậy, việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC là nhằm đạt được các mục tiêu: (i) Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD bằng cơ chế phân bổ dần chi phí trích lập dự phòng rủi ro giúp các TCTD cân đối năng lực tài chính xử lý các tổn thất về nợ xấu; (ii) Hỗ trợ khách hàng vay thông qua việc cơ cấu lại khoản nợ, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, chuyển nợ thành vốn góp,... (iii) Với một số quyền hạn đặc thù, VAMC sẽ phối hợp các cơ quan liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm. Nhờ đó, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, trên bảng cân đối kế toán của TCTD bán nợ, khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam được thay thế bằng các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Trong giai đoạn đầu, khi nguồn lực tài chính và năng lực quản lý rủi ro còn hạn chế thì VAMC tập trung mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành vì hình thức này cho phép xử lý nợ xấu nhanh hơn so với hình thức mua nợ theo giá trị thị trường. Trong trung hạn, căn cứ khả năng quản trị, tiềm lực tài chính và mức độ phát triển thị trường mua bán nợ xấu, nhu cầu của nhà đầu tư, VAMC sẽ triển khai việc mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.

Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng. Như vậy, từ khi thành lập đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã duyệt mua (bao gồm đã ký hợp đồng mua nợ và số duyệt mua nhưng chưa ký hợp đồng) với dư nợ gốc là 95.307 tỷ đồng, giá mua là 78.739 tỷ đồng.

Sau thời gian tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt những tháng cuối năm 2013, từ đầu năm 2014, ngoài nhiệm vụ tiếp tục mua nợ xấu, VAMC tập trung triển khai các công việc liên quan tới xử lý các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thu nợ, bán nợ và bán TSBĐ. Theo đó, đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 tổ chức tín dụng, điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh là 226 tỷ đồng. Công ty đã miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền 60,91 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng.

Ngoài ra, VAMC còn phối hợp với tổ chức tín dụng cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng, thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ đồng nợ gốc.

Như vậy, có thể thấy trong điều kiện Việt Nam không sử dụng vốn ngân sách, VAMC đã và đang là một công cụ xử lý nợ xấu đặc thù hữu hiệu và có tính khả thi nhất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, thậm chí còn tiếp cận được vốn vay của TCTD. Là định chế mới được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, nhưng kết quả đạt được ban đầu của VAMC là rất đáng khích lệ, hỗ trợ cho đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Vừa qua, tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội ngày 01/11/2014 về tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đã chia sẻ với những khó khăn trong xử lý nợ xấu ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu, để xử lý nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển… Tuy nhiên, ở nước ta do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển, nên không có nguồn để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh một số khó khăn mà các Đại biểu Quốc hội đã nêu ở trên, việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC chưa đạt được kết quả như mong muốn còn do những khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, hiện nay chưa có thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam và cũng không có sẵn một thị trường để VAMC chủ động bán nợ xấu. Ngoài ra, do cơ chế định giá nợ xấu ở Việt Nam chưa được xây dựng cho nên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để định giá nợ xấu khi bán nợ và do đó giao dịch liên quan đến nợ xấu không thể được thực hiện một cách nhanh chóng.

Thứ hai, việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế trong việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... do vậy các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn khi mua nợ xấu của VAMC, nhất là nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Thứ ba, việc ủy quyền khởi kiện và không được phép kế thừa quyền và nghĩa vụ trong tố tụng của TCTD bán nợ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xử lý nợ xấu.

Thứ tư, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong xử lý nợ xấu nhất là việc thu giữ tài sản, phát mại tài sản, đôn đốc khách hàng trây ỳ trả nợ ở một số nơi chưa được tích cực, làm ảnh hưởng đến kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu.

Thứ năm, TCTD bán nợ xấu cho VAMC phải trích dự phòng rủi ro tối thiểu 20% giá trị trái phiếu đặc biệt hàng năm. Nếu không bán nợ cho VAMC thì theo quy định TCTD chỉ phải trích phần còn thiếu sau khi trừ đi giá tri tài sản đảm bảo, dẫn đến nhiều TCTD muốn bán nợ nhưng không cân đối được khả năng tài chính nên chưa bán ngay nợ xấu cho VAMC. TCTD thường chờ đợi đến cuối năm để xem xét tài chính và cân nhắc bán nợ cho VAMC. Việc này tạo áp lực cho VAMC về cuối năm khi phải tập trung sức lực để mua nợ.

Thứ sáu, hành lang pháp lý để bảo vệ cho cán bộ VAMC chưa được rõ ràng khi tiến hành định giá phát mại tài sản hoặc đấu giá. TCTD cho rằng VAMC có quyền rất lớn nhưng trên thực tế quyền hạn của VAMC đối với khoản nợ còn rất hạn chế vì mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Thứ bảy, các khoản nợ xấu TCTD bán cho VAMC thực chất đã rất xấu và có tính chất phức tạp, khách hàng vay nhiều TCTD. Vì vậy, việc xử lý nợ của VAMC gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ tám, theo quy định hiện hành, khi thay đổi “bên nhận bảo đảm” thì phải thực hiện đăng ký lại giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, quy định này khó thực hiện được vì chi phí đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm khi khoản nợ được bán cho VAMC và khi VAMC bán lại cho TCTD là khá lớn, trong khi nguồn thu của VAMC khả năng sẽ rất hạn hẹp, không đủ để trang trải nếu phải chi cho nội dung này.

Thứ chín, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các khoản nợ của các DNNN được bán theo giá thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách, người quản lý doanh nghiệp có khả năng bị xử lý trách nhiệm.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đồng thời nâng cao vai trò hoạt động của VAMC trong thời gian tới, NHNN cần khẩn trương triển khai các giải pháp: (1) tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; (2) hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực; phát huy vai trò của VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; (3) phát triển mạnh thị trường mua, bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu; (4) yêu cầu các TCTD công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng; (5) tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; (6) tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ TCTD, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.