“VAMC không thiếu tiền để mua nợ xấu”

Theo antt.vn

(Tài chính) Đó là nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Hàm Phó TGĐ, Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ Ngân hàng BIDV.

“VAMC không thiếu tiền để mua nợ xấu”
Bán nợ xấu và quay vòng vốn là chìa khóa vàng cho bài toán thiếu tiền của VAMC. Nguồn: internet

Kết quả xử lý nợ xấu qua VAMC và bài toán mang tên “nguồn lực”

Chiều ngày 23/12, tại cuộc họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông báo về tình hình xử lý nợ xấu, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc VAMC cho biết, đến ngày 23/12/2014, VAMC đã mua được 123 ngàn tỷ đồng dư nợ gốc nợ xấu (cuối năm 2013 đã mua được 40 nghìn tỷ đồng); trong đó, riêng trong năm 2014 Thống đốc đã giao kế hoạch cho VAMC là phải mua vào khối lượng nợ xấu trị giá 80-85 nghìn tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại thì VAMC chắc chắn sẽ hoàn thành được kế hoạch trên. Đồng thời, thông qua việc mua lại nợ xấu, VAMC đã cùng với các TCTD thực hiện được cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, gia hạn lại nợ cho các khách hàng.

Cũng theo ông Thắng, việc mua nợ đã khó nhưng việc xử lý nợ xấu còn khó khăn hơn và cần một sự nỗ lực của cả nền kinh tế, bởi VAMC cũng chỉ là một công cụ xử lý nợ xấu giúp cho Chính phủ và NHNN. Và trong nguồn lực cho phép, VAMC đã rất cố gắng khi tính đến 23/12 đơn vị này đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB), bán nợ.

Bổ sung thêm ý kiến của ông Thắng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, VAMC chỉ là một công cụ trong nhiều giải pháp tổng hợp để xử lý nợ xấu. Hơn nữa, nhiệm vụ của VAMC không chỉ bán nợ, bán tài sản đảm bảo để thu hồi mà còn hỗ trợ cho các khách hàng của TCTD thông qua cơ cấu kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh hạ lãi suất.

“Trong điều kiện xử lý nợ xấu không dùng ngân sách, với nhiệm vụ xử lý nợ xấu đặt ra, hoạt động của VAMC là phù hợp với bối cảnh hiện nay”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Có thể nói quan điểm trên bà Hồng hoàn toàn thống nhất với ý kiến mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng chia sẻ trong phiên trả lời chất trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9, đó là: “VAMC không có nguồn lực tài chính để có thể mua đứt bán đoạn khi vốn điều lệ hiện nay chỉ có 500 tỷ đồng, và kế hoạch của NHNN là sẽ tăng mức vốn của Công ty này lên mức 2000 tỷ, tuy nhiên con số này vẫn rất khiêm tốn so với mục tiêu mua vào 200.000 tỷ nợ xấu”.

Tuy nhiên, có phải chăng vấn đề lớn nhất của VAMC là nguồn lực tài chính?

Bán nợ xấu và quay vòng vốn – chìa khóa vàng cho bài toán thiếu tiền của VAMC

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Hàm Phó TGĐ, Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ Ngân hàng BIDV khẳng định: “VAMC không thiếu tiền để mua nợ xấu!”.

Lý giải cho luận điểm của mình, TS. Lực đã đưa ra nhận định: “VAMC đã “gom” về hàng trăm tỷ đồng nợ xấu nhưng vấn đề quan trọng là tổ chức này phải biết quay vòng và bán nợ xấu đi như thế nào”.

Bởi một khi nợ xấu được bán đi thì sẽ giải quyết được 3 vướng mắc:

Thứ nhất, một khi nợ xấu được bán đi thì vấn đề nợ xấu sẽ gần như được dứt điểm ở cả NHTM cũng như bản thân các doanh nghiệp;

Thứ hai, khi bán được nợ xấu, VAMC cũng có được đồng tiền quay vòng để mua nợ xấu mới;

Thứ ba, việc làm đó cũng sẽ góp phần giúp xử lý vấn đề TSĐB, hiện nay vẫn đang bị vướng mắc và được tháo gỡ dần dần.

Để giải quyết bài toán bán nợ xấu và quay vòng vốn  kể trên, vị chuyên gia kinh tế này cũng đưa ra bộ ba giải pháp:

Đầu tiên, là tăng một chút vốn pháp định cho VAMC để thể hiện sự cam kết của Chính phủ và tăng một phần năng lực tài chính cho VAMC.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo một thị trường mua bán nợ và cho phép nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào để mua.

Tiếp đến, vấn đề xử lý TSĐB cũng đòi hỏi sự cưỡng chế phải được thực hiện quyết liệt hơn. Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Lực cho biết: “hiện nay, tôi biết rằng rất nhiều TSĐB xử lý đến 5, 7 năm cũng không xong vì cơ chế Tòa án nhiều khi chưa phải là “thiêng” với bên đi vay”.

Theo những chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, nếu giải quyết được bán toán về bán nợ và quay vòng vốn thì vấn đề xử lý nợ xấu  qua kênh VAMC chắc chắn sẽ bớt phải trông chờ vào “nguồn lực tài chính” hơn rất nhiều.