VAMC trăn trở tìm đầu ra
(Tài chính) Cơ chế cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thực sự đủ mạnh đang là một thách thức không nhỏ đối với vấn đề xử lý nợ xấu.
Bán được 1/5 số nợ mua vào
Theo Báo cáo của VAMC, tính đến tháng 6 năm 2014, Công ty này đã mua vào 51.842 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong khi đó, tỷ lệ bán và thu hồi nợ thì mới chỉ khoảng 990 tỷ đồng (1/5 số nợ đã mua vào). Đây là con số còn khá khiêm tốn. Dù VAMC và các tổ chức tín dụng đang muốn đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhưng trong điều kiện thị trường đang hồi phục, việc bán các tài sản đảm bảo không hề dễ dàng, nhất là khi giá trị các tài sản đảm bảo là bất động sản đang xuống thấp thực sự là trở ngại đối với hoạt động mua bán nợ.
Hiện nay, khoảng 70% các khoản nợ mà VAMC mua về có liên quan đến nợ BĐS. Mới đây, công ty này đã xây dựng danh mục chào bán 10 tài sản bảo đảm với tổng trị giá 7.800 tỷ đồng gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng...
Một trong những khó khăn lớn nhất của VAMC khi xử lý nợ xấu là chưa có những quy định rõ ràng để tránh tranh chấp khi phát mại tài sản của khách hàng. Nếu tài sản không phát mại được thì 30 ngày sau, tài sản đó được giảm giá không quá 10%. Khoảng thời gian này được cho là vẫn còn dài khi mà những khoản nợ đã nhiều lần thay đổi mức giá, có khi đến nửa năm mới có người mua. Khi xử lý tài sản đảm bảo phải được sự đồng thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Vấn đề rất khó trong việc định giá tài sản như thế nào cho phù hợp.
Trên thực tế, chính bản thân VAMC cũng đang gặp khó vì thiếu các quy định rõ ràng về cơ chế hoặc thị trường mua bán nợ, cơ chế định giá tài sản bảo đảm trong các khoản nợ xấu và việc quản lý các tài sản này sau khimua bán nợ liên quan đến việc thế chấp của các tài sản này trước đây ở các ngân hàng. Giới đầu tư tài chính thì nói về một mô hình khuyến khích đầu tư kèm khuyến mãi. Chẳng hạn như VAMC đang muốn bán nợ xấu có tài sản bảo đảm là bệnh viện, thì cần có các chính sách đi kèm khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển, khai thác kinh doanh bệnh viện. Có như vậy các tài sản bảo đảm cho nợ xấu sau xử lý mới có cơ hội không bị chiết khấu cao, được giá, cũng như cân bằng lợi ích cho nhà đầu tư, giúp tài sản tiếp tục phát triển.
“Phá băng” bằng vốn ngoại?
Bản thân VAMC cũng hiểu rằng, nếu chỉ trông vào khách mua trong nước thì rất khó khăn. Vậy nên, thu hút vốn ngoại cũng được đặt ra cấp bách.
Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy cơ hội và quan tâm đến giá mua bán nợ xấu, đặc biệt là các dự án liên quan đến cao ốc văn phòng, khách sạn ở trung tâm thành phố, hay các dự án khu dân cư đã hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng không có khả năng tài chính để triển khai. Với cách tiếp cận này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể bổ sung nguồn vốn cho các dự án, giảm thiểu các quy trình thủ tục về pháp lý, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm tăng cao hiệu quả đầu tư dự án.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có tiền lệ bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi việc này đòi hỏi cần có cơ chế pháp lý cụ thể và đồng bộ trong tỷ lệ sở hữu, quyền sở hữu.
Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế cụ thể cho việc chuyển vốn ra nước ngoài, các quy định về chính sách thuế, đồng thời tạo ra cơ chế thị trường mang tính cạnh tranh liên quan đến giá cả của các khoản nợ xấu nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, nếu để họ tham gia mua bán nợ xấu, cần hai điều quan trọng nhất là cơ chế pháp lý cho các đối tượng nhà đầu tư nước ngoài và cơ chế thị trường liên quan đến giá cả của các khoản nợ xấu. Nếu hai điều này được thực hiện thì không những nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản nợ xấu này.
6 tháng cuối năm VAMC phấn đấu giải quyết được 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC đang tập trung phân loại các khoản nợ và các tài sản đảm bảo để cung cấp thông tin cho các đối tác mua bán nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng tiếp tục nghiên cứu những quy định về pháp luật của mình sao cho phù hợp, thỏa thuận được với các tổ chức tín dụng, với các doanh nghiệp và thống nhất bán được thì phải có điều kiện quy định kèm theo để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được nợ.