Vàng còn hấp lực đầu cơ?

Theo saigondautu.com.vn

Chưa đầy nửa tháng nữa là đến hạn ngày 30/6, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tất toán trạng thái dư nợ vàng. Nguồn tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết về cơ bản các NHTM đã cân bằng trạng thái vàng, chỉ một số còn âm với số lượng không đáng kể. Vấn đề đặt ra là sau thời hạn này giá vàng trong nước có còn chênh lệch lớn so với thế giới và vàng có còn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Vàng còn hấp lực đầu cơ?
Cho đến nay, gần như các NHTM đã cân bằng được trạng thái vàng. Nguồn: saigondautu.com.vn
Vừa tất toán, vừa kiếm lợi?

Từ đầu tháng 6, NHNN đều đặn 3 lần/tuần chào bán vàng ra thị trường và đợt chào thầu nào cũng bán gần hết số lượng vàng chào thầu. Tính đến nay, NHNN tổ chức 30 phiên đấu thầu và bán ra 761.600 lượng vàng (tương đương 29,2 tấn vàng).

Tham gia đầu thầu chủ yếu là các NHTM. Theo NHNN, tính đến đầu tháng 6 NHNN đã tất toán được trên 80% số dư huy động vàng, tương đương hơn 100 tấn vàng. Hiện chỉ còn 2-3 NHTM còn trạng thái vàng 1-2 tấn và từ nay đến ngày 30/6 có thể đóng trạng thái dễ dàng. Riêng 1 NHTM cổ phần  nhỏ còn âm trạng thái vàng khá lớn và khó đóng đúng hạn ngày 30/6. Với trường hợp này, nhiều khả năng NHNN sẽ phải có cơ chế đặc thù riêng để xử lý.

Một lãnh đạo NHNN chia sẻ về ngắn hạn khi giá vàng thế giới có biến động, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước là tất yếu. Nhưng về trung hạn, chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp và NHNN sẽ áp dụng nhiều giải pháp kinh tế để người dân giảm đầu cơ, giảm nắm giữ vàng nhằm hướng đến mục tiêu kiềm chế vàng hóa của nền kinh tế.

Những ngày qua giá vàng thế giới theo xu hướng giảm nhanh và nhiều dự đoán còn giảm thêm. Giá vàng trong nước cũng giảm theo nhưng chưa tương ứng, nên những phiên đấu thầu vàng gần đây dù giá NHNN đưa ra đấu thầu có giảm nhưng so với giá thế giới vẫn còn khá cao.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng và các NHTM cũng e dè, không vội vàng để chọn mức giá phù hợp, vì dự đoán từ nay đến nay cuối tháng 6 NHNN sẽ tiếp tục chào thầu nhiều phiên nữa. Theo một tổng giám đốc NHTM cổ phần, những đợt đấu thầu vàng vừa qua chủ yếu đáp ứng cho các NHTM tất toán trạng thái dư nợ vàng, nhưng không ít NH tham gia mua thầu vàng còn nhằm mục đích kinh doanh kiếm lợi.

Hiện tại, NHNN cho phép các NHTM giữ trạng thái vàng dương cuối ngày ở mức rất thấp, khoảng 2% vốn tự có, do đó rủi ro liên quan đến giao dịch trạng thái được hạn chế rất nhiều. Nhưng điều này cũng khiến các NHTM khó kiếm lợi từ đầu tư chênh lệch giá vàng. Do vậy, nhiều NHTM đã miễn phí dịch vụ giữ hộ vàng cho người dân, nhằm thu hút một lượng vàng lớn.

Từ đây, nếu canh được giá mua vàng đấu thầu từ NHNN và giá bán vàng trên thị trường ở mức hợp lý để bán ra có lời, các NHTM có thể mượn tạm vàng giữ hộ của dân bán ra trước, sau đó lấy bút toán hoặc lấy vàng đấu thầu ở NHNN để bù vào.

“Việc giữ hộ vàng miễn phí giúp các NHTM có lượng vàng mặt để luân chuyển nhanh, phòng chống rủi ro trong kinh doanh vàng. Hơn nữa, NHTM có lượng vàng giữ hộ của dân nhiều, nếu chính sách vàng của NHNN có thay đổi, NHTM đó sẽ có lợi thế” - vị tổng giám đốc này nhận định.

Chênh lệch giá vàng chưa thể giảm ngay

Nhiều dự đoán việc một số NHTM chưa hoàn tất trạng thái vàng vào ngày 30-6 tới không tạo sức ép lên sức cầu của thị trường, bởi nhu cầu vàng trên thị trường đang yếu. Nhưng theo nhiều chuyên gia, dù sức cầu vàng cho tất toán không còn, chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước vẫn chưa thể giảm ngay.

Bởi lẽ nhu cầu vàng của người dân vẫn có, trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới vẫn chưa liên thông với nhau, nên dù NHNN liên tiếp tổ chức đấu thầu, thị trường vàng trong nước vẫn chưa được tăng cung đáng kể. Bên cạnh đó, đối với nhiều người dân việc nắm giữ vàng vẫn giúp họ đảm bảo giá trị tài sản và có tính thanh khoản cao.

Theo một chuyên gia, việc thu hẹp ngay chênh lệch giá vàng thời điểm này chưa chắc có lợi cho nền kinh tế. Bởi kinh tế năm qua suy giảm, tổng cầu giảm, sức mua giảm. NHNN nỗ lực giảm lãi suất, bơm tiền ra nhưng tổng phương tiện thanh toán (M2) vẫn giảm, trong khi đó tiền gửi tăng, tín dụng giảm. (hệ thống NHTM hiện nay huy động vốn tăng thêm xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, trong khi cho vay tăng thêm chỉ 70.000 tỷ đồng).

Do vậy, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang giảm, không loại trừ một lượng tiền gửi của người dân đang chực chờ đầu cơ vào vàng khi giá vàng sát giá thế giới.

Như vậy chỉ cần giá vàng trong nước bám sát giá thế giới, giới đầu cơ vàng sẽ hạn chế bớt rủi ro về chênh lệch giá. Vì vậy, bên cạnh thu hẹp dần chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, cơ quan quản lý phải củng cố, tạo được lòng tin của dân chúng vào đồng tiền Việt Nam, đồng thời giúp các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản sôi động lên.

Khi đó vàng mới giảm sức hấp lực so với các kênh đầu tư chính yếu khác. Có thể thấy, nếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sau ngày 30/6 vẫn quá lớn 5-6 triệu đồng/lượng, sẽ tạo ra đầu cơ nhập lậu và tác động lên tỷ giá là điều không tránh khỏi.

Đặc biệt hiện nay cầu ngoại tệ trên thị trường thời gian qua tăng trong khi cung ngoại tệ đang giảm dần. Điều này đặt ra cho NHNN trong quản lý thị trường vàng là làm sao giảm dần chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, giảm việc cất trữ vàng của dân, hạn chế cơ hội đầu cơ của giới kinh doanh vàng.