Vàng - kênh đầu tư 'hot' nhất trong thời khủng hoảng
Trong thời gian yên bình, các hoạt động đầu tư vào vàng khá ít ỏi. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, vàng lại trở nên “lấp lánh,” giá trị của vàng hoàn toàn bị phân cách với nền kinh tế thực.
Giá vàng đã chạm mức cao kỷ lục 1.944,71 USD/ounce tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch 27/7, trong bối cảnh giới đầu tư đổ xô tìm đến kim loại quý này như một "kênh đầu tư an toàn" - đặc tính từ lâu đã làm cho vàng trở nên rất có giá trị trong hệ thống tài chính.
Khoảng 3.000 năm trước công nguyên, người Ai Cập là những người đầu tiên phát hiện và khai thác vàng trên thế giới.
Việc nhiều nền văn minh sử dụng kim loại quý này trong xã hội của họ cho thấy vàng lúc đó được phân phối khá cân bằng.
Vàng ban đầu được sử dụng như một dạng trang sức thẩm mỹ, trưng diện hay để thể hiện đẳng cấp trong xã hội, nhưng từ 700 năm trước công nguyên, kim loại quý này bắt đầu được sử dụng làm tiền (dùng để mua bán) cùng với bạc.
Là một thứ kim loại hiếm, dễ dàng nung chảy và chế tác, cũng như có khả năng chống gỉ, vàng rất phù hợp để sử dụng như một phương tiện trao đổi.
Vàng đã giữ được vai trò trung tâm của mình trong hệ thống tiền tệ trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 50 năm trước, vàng đã đánh mất vai trò là đồng tiền chủ chốt trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Vào năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã xóa bỏ khả năng chuyển đổi của đồng USD sang vàng, vốn đã củng cố hệ thống tiền tệ quốc tế sau Thế chiến 2.
Vàng với vai trò lưu trữ giá trị...
Việc vàng để mất vai trò là một loại tiền tệ không có nghĩa là nó đánh mất vai trò là một phương tiện lưu trữ giá trị, đặc biệt khi các khoản đầu tư khác có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái và lạm phát.
Ông Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích thuộc ActivTrades đồng thời là tác giả cuốn sách về kim loại quý, cho biết một lợi thế của vàng là rất nhiều giá trị có thể được lưu trữ trong một miếng vàng nhỏ vì sự quý hiếm và giá cả.
Hoạt động sản xuất vàng vẫn tương đối ổn định theo thời gian so với các nguyên liệu thô khác.
Trong giai đoạn 2018-2019, sản lượng vàng nhích lên khoảng 1% và chỉ nhờ tái chế, nguồn cung đã tăng tổng cộng 3%.
Chuyên gia De Casa nói với hãng tin AFP rằng một yếu tố quan trọng khác là vàng không thể in, trái ngược với đồng bạc xanh và các loại tiền tệ khác.
Mặc dù các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không in tiền, song họ làm điều tương tự bằng cách tạo ra tiền điện tử để mua tài sản như trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.
Trong nhiều năm qua, các ngân hàng này đã bơm khối lượng tiền khổng lồ vào các nền kinh tế theo cách này để hỗ trợ tăng trưởng.
Cơn bão thanh khoản này có xu hướng làm giảm giá trị của các loại tiền tệ, và thực tế là tiền lãi thu được từ trái phiếu chính phủ cũng giảm theo trong bối cảnh các ngân hàng trung ương “ôm vào” trái phiếu làm nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm.
…nhưng không mang lại lợi nhuận
Trong khi đó, vàng, ngược với trái phiếu, không mang lại lợi nhuận và không có cổ tức chia cho các nhà đầu tư, không giống như khi các nhà đầu tư đặt tiền vào chứng khoán.
Vì vậy, trong thời gian “yên bình,” các hoạt động đầu tư vào vàng khá ít ỏi. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, vàng lại trở nên “lấp lánh,” giá trị của vàng hoàn toàn bị phân cách với nền kinh tế thực.
Giá trị của cổ phiếu có thể giảm trong thời kỳ suy thoái khi triển vọng lợi nhuận giảm và các nhà đầu tư có thể mất tất cả nếu họ nắm giữ cổ phiếu trong các công ty bị phá sản. Lạm phát cũng “cuốn trôi” giá trị của trái phiếu. Do vậy, các nhà đầu tư tìm đến vàng như là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hoặc dễ biến động.
Mặc dù các kim loại khác như bạc và bạch kim cũng được “thơm lây” danh nghĩa tài sản an toàn, song do các kim loại này được sử dụng trong sản phẩm công nghiệp. Trong thời kỳ suy thoái, giá của các kim loại này có xu hướng giảm khi nhu cầu từ các nhà sản xuất giảm sút.
Các nhà phân tích cho rằng những lo ngại về triển vọng tương lai đang là yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng mạnh hiện nay.
Mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố danh sách 10 nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, trong đó Mỹ đứng ở vị trí đầu bảng với khối lượng 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Dự trữ vàng của Mỹ gần bằng tổng trữ lượng của Đức, Italy và Pháp cộng lại. Đồng thời, tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng cao nhất trong top 10 nước. Khoảng nửa số này hiện được cất giữ tại kho vàng Fort Knox.
Theo WGC, tính đến tháng 7/2020, các nước dự trữ khoảng 34.900 tấn vàng. Số vàng này được dùng để ổn định đồng nội tệ trước nguy cơ lạm phát phi mã, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng lớn như hiện tại. Dù vậy, có rất ít quốc gia có khối lượng vàng dự trữ lớn.
Trên thực tế, khoảng 80% vàng dự trữ trên thế giới hiện do ngân hàng trung ương và bộ tài chính 25 quốc gia nắm giữ.