Vay mua nhà ngày càng bị siết, lãi suất lên tới 11,5-13,5%/năm
Việc Ngân hàng Nhà nước siết tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, tăng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản, cùng với đó đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay 14% sẽ là những rào cản hạn chế dòng vốn tín dụng vào thị trường địa ốc.
Không chỉ dòng vốn cho vay kinh doanh bất động sản, mà ngay cả cho vay mua nhà cũng không tránh được khó khăn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm nay.
Lãi suất cho vay mua nhà đang dần được đẩy lên tới 11,5 - 13,5%/năm. Tại TPBank, OCB, Eximbank, lãi suất cho vay mua nhà cũng không thấp hơn mức trên. Sở dĩ lãi suất cho vay mua nhà tăng do các ngân hàng đã và đang tăng lãi suất huy động đầu vào, nhất là kỳ hạn dài để tái cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN về việc giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đầu năm nay xuống 40%, đồng thời tỷ lệ này dự báo còn giảm xuống thời gian tới.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, rủi ro thanh khoản cần tiếp tục được giảm thiểu khi cơ cấu huy động vốn của các tổ chức tài chính vẫn đang nghiêng về tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Các ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống 40% vẫn là mức cao so với thông lệ quốc tế.
Thị trường bất động sản được đánh giá tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, với quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm xuống 40%; đồng thời, hệ số rủi ro cho vay bất động sản được nâng lên từ 150% lên 200% vào đầu năm 2018 và sang đầu năm 2019 được nâng lên 250% theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN đã cho thấy Chính phủ quyết tâm siết tín dụng vào thị trường bất động sản.
Mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô, vì vậy, cơ quan này đang giám sát khá nghiêm ngặt hoạt động cho vay với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán trong hệ thống.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính cho rằng, cần phân định loại hình cho vay bất động sản để quy định hệ số rủi ro phù hợp, thay vì cào bằng tất cả mức 250%.
Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, "tín dụng bất động sản" được định nghĩa là việc người dân vay ngân hàng với mục đích để đầu tư bất động sản và sinh lợi trên bất động sản được vay. Các ngân hàng đang dùng định nghĩa này để phân loại đâu là cho vay bất động sản.
Như vậy, ngay cả những trường hợp vay mua bất động sản, nhưng không phục vụ mục đích đầu tư cho thuê, không bán đi mà tích lũy lại được xếp vào tín dụng tiêu dùng, đồng thời chỉ chịu hệ số rủi ro 100% của tín dụng tiêu dùng. Ðó cũng chính là lý do vì sao tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua và được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng gần 50%, nhưng phần lớn chảy vào bất động sản qua mua nhà.
Cho vay mua nhà gồm cho vay bất động sản kinh doanh và cho vay bất động sản tiêu dùng (mua, sửa chữa, xây nhà). Tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản được công bố hiện nay chủ yếu là bất động sản kinh doanh, chiếm khoảng 7% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng.
Còn nếu cộng cả cho vay bất động sản tiêu dùng, theo giới phân tích tài chính ước tính, con số này phải lên đến 40%. Vì thế, ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng cần được kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro.