Vay USD, thận trọng với biến động tỷ giá

Theo HNM

Mặc dù các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tăng lãi suất huy động và cho vay USD, song doanh nghiệp (DN) vẫn đua nhau làm thủ tục vay USD. Vì theo tính toán, lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND. Tuy nhiên, nếu vay USD, DN sẽ phải tính đến bài toán rủi ro về tỷ giá, bởi không ai dám khẳng định từ nay đến cuối năm, giá USD không biến động…

Để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ tăng cao vào dịp cuối năm, NH đã phải điều chỉnh lãi suất huy động USD để hấp dẫn người gửi tiền. Từ đầu tháng 9, MB tăng lãi suất USD 0,1-1,34%/năm, lên mức cao nhất là 4,4%/năm cho kỳ hạn 12, 24 tháng. Eximbank tăng lãi suất huy động lên 4,65%/năm. ACB điều chỉnh lãi suất 0,05-0,25%/năm, lên mức cao nhất là 4,7%/năm. Đỉnh lãi suất huy động là ABBANK, với mức cao nhất là 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng. Những kỳ hạn khác có lãi suất dao động quanh mức 5%/năm, được coi là một trong những mức hấp dẫn. Những NH lớn như Vietcombank, Vietinbank… cũng đẩy lãi suất USD lên vừa để cạnh tranh với những NH khác, vừa để giữ chân khách hàng truyền thống.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã kéo lãi suất của đồng tiền này xuống thấp, nhưng ở trong nước, lãi suất USD luôn cao gấp 10 lần, bởi nhu cầu vẫn cao. Hơn nữa, lãi suất USD cần phải có khoảng cách hợp lý với VND để không gây xáo trộn đối với thị trường tiền tệ.

Ngay cả khi các NH đã đẩy lãi suất huy động USD quanh ngưỡng 5%/năm, lãi suất cho vay sẽ ở vào khoảng 7-8%/năm, DN vẫn có xu hướng vay USD nhiều hơn VND. Lý giải cho tình trạng này, đại diện một DN ở Hà Nội cho hay, ngay cả khi lãi suất cho vay USD của NH tăng lên 7-8%/năm, thậm chí 9%/năm, vẫn còn thấp so với VND. Bởi lãi suất cho vay VND hiện ở vào khoảng 15-16%/năm đối với vay thông thường, 13%/năm với những ngành nghề được ưu tiên. Hầu hết DN phải vay với mức lãi suất thông thường, ít khi có thể vay ưu đãi. Như vậy, nếu DN vay NH 1 triệu USD, lãi suất 8%/năm, mức lãi suất phải trả sẽ là khoảng 80.000 USD/năm. Tính theo tỷ giá hiện hành là 19.500 VND/USD, tiền VND mà DN phải trả là 1,56 tỷ VND/năm. Còn nếu DN vay 20 tỷ VND (hơn 1 triệu USD), lãi suất 16%/năm, số tiền họ phải trả là 3,2 tỷ VND/năm, khác nhau quá xa. Tuy nhiên, đấy là cách tính đơn giản DN chưa cộng vào đó tính rủi ro của đồng USD.

Bài học đắt giá về sự biến động của USD cuối năm 2008 vẫn còn đó khi USD có lúc vượt qua 20.000 VND/USD khiến DN rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" với khoản lỗ lớn do USD tăng đột biến. Tìm mọi cách để hút nguồn tiền gửi ngoại tệ để cung ứng đủ vốn vay cho DN, song các NH cũng khá thận trọng với kênh này. Đại diện một NH ở Hà Nội cảnh báo, DN nên tính toán kỹ trước khi vay USD, chỉ nên vay nếu thực sự có nguồn thu USD nhờ những hợp đồng xuất nhập khẩu. Khi đó, DN mới có thể bảo toàn được nguồn vốn, tránh rủi ro nếu đồng USD tăng. Vì vậy, DN cần theo dõi biến động của đồng ngoại tệ này để khi cần thiết có thể chuyển đổi sang vay bằng VND.