Vì đâu Huawei bị đẩy vào "nước sôi lửa bỏng"?
Trong nhiều năm qua, hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ. Đỉnh điểm là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei vào tuần trước, theo CNN.
Dù Washington từ lâu đã nghi ngờ Huawei tham gia vào các hoạt động phi pháp, nhưng không có thông tin nào về những hoạt động cụ thể khiến hãng này trở thành đối tượng gây quan ngại lớn đối với chính phủ Mỹ như vậy. Lệnh cấm trên của chính quyền ông Trump cũng gây bất ngờ với giới quan sát.
Theo CNN, có nhiều nguyên nhân khiến Huawei rơi vào tình thế "nước sôi lửa bỏng" với các nhà chức trách của Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Huawei bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn 1 năm qua. Theo các nhà phân tích, công ty này được xem như "quân bài đàm phán" trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Huawei là hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc với tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới và là một trong số ít công ty sản xuất thiết bị mạng 5G. Công ty này đạt doanh thu 105 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn hãng công nghệ khổng lồ IBM của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông có thể cân nhắc nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei như một phần của cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh.
Mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc
Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo sau một năm điều tra, trong đó nói rằng Huawei là mối đe dọa về an ninh đối với Mỹ. Báo cáo này kết luận rằng Huawei và công ty viễn thông đồng hương ZTE hoạt động với sự "chống lưng" của chính phủ Trung Quốc và khẳng định không được cho phép thiết bị của hãng này lắp đặt trong các hạng mục cơ sở hạ tầng viễn thông trọng yếu của Mỹ. Từ lâu, Washington cũng đã nghi ngờ Huawei làm gián điệp trên các mạng viễn thông đang sử dụng công nghệ của hãng.
Trong khi đó, Huawei một mực khẳng định công ty hoạt động độc lập với chính phủ Bắc Kinh, liên tục phủ nhận các cáo buộc gián điệp. Dù vậy, Washington vẫn loại bỏ các hợp đồng mạng không dây và băng thông rộng với công ty này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng tìm cách gây áp lực nhằm ngăn các quốc gia khác mua thiết bị viễn thông ủa hãng này.
Mối quan hệ với Iran
Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra cáo buộc hình sự đối với Huawei, nói rằng công ty này vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran. Liên quan tới cáo buộc này, Canada đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Huawei. Bà Mạnh hiện đang được bảo lãnh tại ngoại ở Canada và đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ.
Huawei bị cáo buộc lừa dối các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về quan hệ làm ăn với Iran. Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc người sáng lập Huawei Ren Zhengfei khai thông tin sai lệch với FBI vào năm 2007, nói rằng công ty này không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và cũng không có quan hệ làm ăn trực tiếp với công ty nào của Iran.
Phía Huawei tiếp tục phủ nhận các cáo buộc và gọi đây là "chiến dịch bôi nhọ". Bà Mạnh phủ nhận cáo buộc chống lại mình. Còn ông Ren không đưa ra bình luận về những cáo buộc đó nhưng nói với CNN rằng ông không có dự định tới Mỹ.
Cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ
Chính quyền Tổng thống Trump cũng kiện Huawei với cáo buộc công ty này đánh cắp bí mật thương mại của nhà mạng không dây Mỹ T-Mobile (TMUS). Theo hồ sơ vụ kiện ở cấp liên bang này, Huawei bị cáo buộc đã dành nhiều năm để đánh cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại độc quyền của T-Mobile - được gọi là "Tappy".
Huawei là nhà cung cấp điện thoại của T-Mobile và có quyền tiếp cận một số thông tin về Tappy nhờ mối quan hệ đó. Chính phủ Washington cũng cáo buộc lãnh đạo của Huawei đã hứa sẽ thưởng cho những nhân viên thu thập được thông tin bí mật về đối thủ. Huawei cũng phủ nhận những cáo buộc trong vụ việc này.
Cuộc chiến công nghệ tương lai
Theo các nhà phân tích, công nghệ của Huawei là nhân tố quan trọng đối với tương lai của mạng 5G - công nghệ mà Mỹ có tham vọng thống trị. Hiện Huawei là công ty đi đầu về 5G, cung cấp công nghệ hỗ trợ triển khai mạng viễn thông không dây 5G. Hai đối thủ đáng kể nhất ở mảng này của Huawei là Nokia và Ericsson, nhưng công ty Trung Quốc có quy mô lớn hơn nhiều với công nghệ nhanh hơn và rẻ hơn.
Dù Mỹ luôn tránh sử dụng công nghệ của Huawei, sản phẩm của công ty này vẫn phổ biến tại nhiều vùng nông thôn của Mỹ. Sản phẩm của Huawei cũng có vị thế vững chắc tại châu Âu, châu Á và các khu vực khác.
Giới phân tích nhận định, Mỹ muốn đảm bảo rằng các công ty viễn thông trong nước luôn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ mới này. 5G có thể giúp mở ra làn sóng công nghệ mới làm thay đổi cả nền kinh tế, bao gồm công nghệ ôtô tự lái.
Hy vọng nào cho tương lai?
Bất chấp những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ của Huawei và Mỹ, vụ việc tương tự từng xảy ra với một công ty công nghệ Trung Quốc cho thấy tương lai sẽ không quá mù mịt đối với Huawei.
Tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng hãng viễn thông ZTE của Trung Quốc đã nói dối các nhà chức trách của Mỹ về việc phạt những nhân viên vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran và Triều Tiên. Sau đó, Washington đã cấm các công ty Mỹ bán thiết bị cho ZTE và tạo rào cản khiến công ty này không mua được con chíp và kính màn hình từ các nhà cung cấp chính.
Tuy nhiên, một tháng sau đó, Trump tuyên bố ông sẽ làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giúp ZTE nhanh chóng trở lại kinh doanh. Ông nói rằng lệnh cấm của Mỹ khiến Trung Quốc mất quá nhiều việc làm. Vào tháng 7, chính quyền của ông Trump đã gỡ bỏ các lệnh cấm trên sau khi ZTE đồng ý vào diện giám sát và nộp phạt 1,4 tỷ USD.
Nếu dùng Huawei - công ty lớn hơn nhiều so với ZTE - làm "quân bài đàm phán" tương tự trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chính quyền của ông Trump có thể sẽ yêu cầu sự nhượng bộ chính trị từ phía Bắc Kinh để đổi lấy việc nới lỏng hoặc gỡ bỏ lệnh cấm với Huawei.
Tuy vậy, bản thân Huawei không ngồi đợi 2 chính phủ giải quyết vấn đề. Hồi tháng 3, Huawei đâm đơn kiện chính phủ Mỹ đã kìm hãm sự ảnh hưởng của công ty này trên toàn cầu. Các nhà chức trách Mỹ không đưa ra bình luận về vụ kiện này.