Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm chống lại Huawei
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước các mối đe dọa với công nghệ Mỹ giữa chiến dịch chống lại Huawei, Nhà Trắng cho biết.
Động thái này, được thực hiện thông qua một sắc lệnh do Tổng thống Mỹ ban hành, dự kiến sẽ cấm các công ty Hoa Kỳ làm ăn với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, theo CNBC.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump đã thúc đẩy các đồng minh trên toàn thế giới không áp dụng công nghệ mạng 5G thế hệ tiếp theo của công ty Trung Quốc Huawei.
Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders viết rằng chính quyền sẽ "bảo vệ nước Mỹ khỏi những kẻ thù nước ngoài đang tích cực tạo ra và khai thác ngày càng nhiều các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông ở Hoa Kỳ."
Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Ajit Pai đã ăn mừng lệnh này bằng một tuyên bố trong đó ông Pai nói rằng hành động này là một "bước quan trọng trong việc bảo vệ các mạng lưới của Mỹ".
Còn theo Financial Times, sắc lệnh này đã được tranh luận tại Mỹ từ năm ngoái, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai cường quốc kinh tế. Theo sắc lệnh này, Bộ Thương mại Mỹ có 150 ngày để soạn thảo các quy tắc để thực hiện chính sách trong sắc lệnh.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết "sắc lệnh không nhắm tới bất cứ một công ty hay quốc gia cụ thể nào", nhưng nó được cho là nhắm tới việc chống lại Huawei. Cũng trong hôm thứ Tư, Chính phủ Mỹ đã có hành động cụ thể chống lại Huawei bằng cách đưa công ty này của Trung Quốc vào Danh sách Cụ thể (Entity List), nghĩa là các công ty của Mỹ từ giờ trở đi nếu muốn bán công nghệ cho Huawei thì buộc phải xin phép Chính phủ Mỹ.
"Hành động này bắt nguồn từ các thông tin có sẵn cho Bộ [Thương mại] nhằm tạo cơ sở thích hợp để kết luận rằng Huawei đã dính dáng vào các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ", Bộ thương mại tuyên bố trong một thông cáo ra bên ngoài.
Những động thái vừa được Hoa Kỳ đưa ra hôm thứ Tư là những nỗ lực mới nhất của chính quyền của ông Trump nhằm đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong mọi thứ, từ thương mại đến gián điệp, vẫn theo Financial Times.
Marco Rubio, Thượng nghị sĩ của bang Florida thuộc đảng Cộng hòa và là người có quan điểm diều hâu với Trung Quốc, cho biết chính quyền Trump xứng đáng nhận được các tín nhiệm lớn vì những nỗ lực nhằm giải quyết toàn diện mối đe dọa mà Huawei và các công ty viễn thông nước ngoài khác đặt ra nhằm phá hoại và gây nguy hiểm cho các hệ thống và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Mỹ.
Động thái này cũng được phía đảng Dân chủ hoan nghênh. Mark Warner, Thượng nghị sĩ bang Virginia, cho biết đây là "một bước cần thiết", phản ánh thực tế rằng Huawei và ZTE đại diện cho mối đe dọa an ninh đối với các mạng truyền thông liên minh của Mỹ và đồng minh.
Những người theo trường phái diều hâu trong nội các Mỹ đã thúc giục ông Trump ký thông qua sắc lệnh trong bối cảnh gia tăng báo động trong giới an ninh quốc gia về về tính nhạy cảm của các mạng không dây do Huawei cung cấp cho gián điệp Trung Quốc.
Trước đó, ông Trump đã không muốn ký sắc lệnh này vì ông không muốn nó ảnh hưởng tới các quá trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Trước quyết định này, David Wang, một giám đốc điều hành của Huawei cho biết công ty không quan tâm tới sắc lệnh nhưng Mỹ không phải là một thị trường lớn cho tập đoàn này.
"Chúng tôi là một công ty có hoạt động toàn cầu. Vì vậy, kể cả khi có những biến động ở bất kỳ một quốc gia nào, chúng tôi vẫn sẽ có thể ổn định các hoạt động của mình", ông nói hôm thứ Tư.
Động thái chống lại Huawei diễn ra khi quan hệ thương mại Trung Quốc-Mỹ tiếp tục xấu đi. Ông Trump đã leo thang cuộc chiến thương mại khi nói rằng ông sẽ tăng thuế quan lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế. Trung Quốc trả đũa bằng cách tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ.
"Chính sách là đúng, nhưng rơi vào thời điểm xấu. Nó sẽ được hiểu là nhắm cụ thể vào Trung Quốc và cụ thể vào Huawei. Thực hiện điều đó bây giờ không mang lại nhiều ý nghĩa đòn bẩy bởi 'lợi bất cập hại'", Evan Medeiros, cựu cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng thời của Tổng thống Barack Obama nói.
"Người Trung Quốc sẽ ngày càng coi tranh chấp thương mại là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc về mặt kinh tế, chứ không phải ngược lại là nỗ lực kiến tạo sân chơi", ông nói.
Cùng lúc đó, các cơ quan an ninh Hoa Kỳ đang thúc ép các nước khác cấm sử dụng thiết bị công nghệ 5G của Huawei. Úc và Nhật Bản đã đi theo Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Huawei tham gia vào việc lắp đặt mạng 5G, trong khi cơ quan tình báo New Zeland cũng bày tỏ các quan ngại.
Nhưng Anh và Đức đã tỏ các dấu hiệu cho thấy họ sẽ cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị mạng 5G cho các hệ thống viễn thông của những nước này, điều khiến Hoa Kỳ nổi giận.
Chính quyền và các quan chức tình báo của Trump đặc biệt lo lắng về động thái của Anh vì nước này là thành viên của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes" liên quan đến hợp tác tuyệt mật với Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.
Ông Gordon Sondland, Đại sứ Hoa Kỳ tại EU, nói với Financial Times tuần trước rằng "bất kỳ quốc gia nào trao chìa khóa đất nước của họ cho Trung Quốc... sẽ hối hận vì đã làm như vậy".
Thiết bị Huawei không được sử dụng bởi bất kỳ nhà mạng lớn nào của Mỹ nhưng được sử dụng bởi khoảng một phần tư các công ty mạng nông thôn nhỏ hơn, theo Hiệp hội Không dây Nông thôn của Mỹ.
Nhóm doanh nghiệp này chưa cho biết chi phí thay thế thiết bị Huawei hiện tại là bao nhiêu, mặc dù Pine Belt, một trong những thành viên của nhóm cho biết điều này có thể khiến công ty mất tới 14 triệu USD, trong khi một công ty khác, Sage Brush, cho biết công ty có thể mất 57 triệu USD cho các thiết bị thay thế cho thiết bị Huawei đã được lắp đặt.
Các nhà mạng băng thông rộng ở nông thôn lập luận rằng việc cấm Huawei ra khỏi hệ thống 5G đồng nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để triển khai internet tốc độ cao ở khu vực nông thôn.
Vấn đề truy cập băng thông rộng ở các vùng nông thôn đang nổi lên như một chủ đề trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2020 khi nhiều ứng viên của đảng Dân chủ cho rằng cần thiết phải hành động trước việc này.