Ví điện tử phải liên kết với ngân hàng: Cuộc đua đã nóng nay còn chật hẹp
Cuối năm trước, việc Grab ra mắt ví Moca và bắt buộc người dùng phải chuyển từ việc nạp tiền từ thẻ tín dụng qua nạp tiền bằng ví Moca đã báo trước một năm 2019 khó khăn cho các ví điện tử khi tuân thủ đúng quy định của ngân hàng Nhà nước.
Đầu năm 2019, hàng loạt ví điện tử thông báo thắt chặt việc sử dụng ví hoặc nạp tiền vào tài khoản. MoMo thì thông báo khách hàng phải kết nối với thẻ ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ Visa, Master Card phát hành nội địa mới có thể giao dịch; Yolo của VP Bank thông báo ngừng nạp tiền bằng thẻ tín dụng.
Nhìn rộng ra, yêu cầu bắt buộc ví điện tử phải có liên kết với thẻ ngân hàng mới được hoạt động thực sự làm hẹp cửa cạnh tranh của các ví trong cuộc đua ví điện tử.
Chưa rõ việc định danh bắt buộc này cần chặt chẽ tới đâu, nhưng rõ ràng với các thông tin mà các ví điện tử thường yêu cầu để định danh người dùng thì có nhiều tổ chức có thể hỗ trợ thực hiện. Các thông tin đó gồm thông tin nhân thân cơ bản của người dùng: Họ tên, ngày sinh, số CMND và ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện tại. Ngoài các chính quyền cấp cơ sở (phường, xã) có thể xác minh các thông tin này; các đơn vị đại lý của Ví điện tử cũng có thể xác minh thông tin bằng việc yêu cầu một số giấy tờ có công chứng.
Nhưng điểm khó khăn nhất vẫn là thắt chặt việc nạp tiền vào ví điện tử. Nếu như trước đây, người dùng ví MoMo có thể dễ dàng nạp tiền bằng các đại lý và đơn vị uỷ quyền (FPTShops, F88), thì nay họ bắt buộc phải liên kết tài khoản ngân hàng với MoMo, sau đó mới thoải mái nạp tiền ở ngoài.
Hầu hết hệ thống ngân hàng hoạt động có giờ hành chính theo thông lệ từ 8h tới 16h, chưa kể thời gian nghỉ trưa và nghỉ thứ 7, Chủ Nhật. Trong khi đó, việc kinh doanh, buôn bán luôn diễn ra sôi động và hối hả vào bất cứ lúc nào. Và các điểm đại lý nạp tiền sẵn sàng làm tới tận 22h giờ, thậm chí ở các trung tâm giao thông như bến xe, sân bay thì sẵn sàng làm 24/7 để phục vụ nhu cầu người dùng.
Các ví điện tử hiện đang khá chật vật để phát triển. Hiện tại ở các thành phố lớn, lợi điểm cạnh tranh của ví điện tử gần như rất ít trước ngân hàng, vì đa phần người dùng đều có thẻ ngân hàng.
Ví điện tử chỉ có lợi thế ở các thanh toán nhỏ (micro-payment)như mua café, đồ ăn, vé xem phim vì tiện hơn sử dụng thẻ ngân hàng một chút. Các ví điện tử cũng đang tốn khá nhiều nguồn lực để cuốn hút người dùng sử dụng như chuyển tiền lẫn nhau miễn phí, khuyến mại khi sử dụng các dịch vụ.
Vì thế, cửa sống của các ví điện tử càng trở nên khó khăn hơn, khi sinh mệnh của họ đang bị "buộc" vào các ngân hàng. Việc này chẳng khác nào yêu cầu các công ty chuyển phát nhanh phải đăng ký và dùng người của Bưu điện để chuyển đồ cả.
Rõ ràng việc yêu cầu các ví điện tử tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền, kiểm soát tiền tệ là cần thiết. Nhưng nên chăng cũng cần có giải pháp linh hoạt và hợp lý hơn để không quá ép buộc một ngành mới như ví điện tử phải phụ thuộc vào các ngành cũ như ngân hàng?