Vi phạm phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể bị phạt thế nào?


Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã nêu rõ mức xử phạt với các hành vi vi phạm.

Một tên lửa hạt nhân đã bị vô hiệu hóa trong Bảo tàng Titan Missile ở Mỹ.
Một tên lửa hạt nhân đã bị vô hiệu hóa trong Bảo tàng Titan Missile ở Mỹ.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Dự thảo do Bộ Quốc phòng xây dựng.

Tạo hành lang pháp lý, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm

Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng nghị định nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập các điều ước quốc tế về vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cụ thể, trong việc cấm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng, đe dọa sử dụng, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao, hỗ trợ, xin hỗ trợ, khuyến khích, xúi giục các hành vi bị cấm về vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn, xử lý hành chính đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phổ biến, tài trợ phổ biến, các hành vi trái pháp luật khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tại dự thảo đã quy định rõ các vấn đề chung về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả...

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xác định thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia có mức phạt tiền tối đa là 75 triệu đồng đối với cá nhân.

Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (150 triệu đồng).

Mức xử phạt cao nhất lên tới 75 triệu đồng với cá nhân

Theo dự thảo nghị định, với hành vi vi phạm quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể bị xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền mức cao nhất 10 triệu đồng, tùy theo từng hành vi cụ thể.

Ngoài ra, có các hình phạt bổ sung tùy theo các hành vi là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6 đến 12 tháng. Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm...

Bên cạnh đó là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn... Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm...

Đối với vi phạm quy định về thông báo, khai báo thông tin có liên quan đến phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng có thể bị phạt từ cảnh cáo đến 10 triệu đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tùy vào hành vi vi phạm.

Dự thảo nghị định cũng quy định xử lý về vi phạm quy định về duy trì tuyên bố công khai rõ ràng trên trang web trong việc tạm ngừng lưu thông, tạm giữ và phong tỏa tài sản không chậm trễ đối với tài sản hoặc tài sản có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt của tổ chức, cá nhân bị đình chỉ.

Theo đó, mức phạt tiền cao nhất có thể lên tới 75 triệu đồng và tùy theo hành vi sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả.

Đối với hành vi vi phạm quy định về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ có mức phạt hành chính từ 30 đến 75 triệu đồng, tùy theo các hành vi.

Cũng theo dự thảo, với hành vi vi phạm quy định về phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mức phạt sẽ từ 40 đến 75 triệu, tùy vào hành vi.

Với các hành vi trên đồng thời sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo tuoitre.vn