Vì sao các hãng công nghệ thế giới muốn chuyển sản xuất tới Việt Nam?
Google và Apple là hai trong số các doanh nghiệp chú ý tới Việt Nam khi tìm kiếm địa điểm sản xuất mới trong bối cảnh thương chiến.
Bên ngoài một nhà máy điện thoại từng được sử dụng để sản xuất điện thoại Nokia ở tỉnh Bắc Ninh, một tấm biển tuyển dụng mới được treo với nội dung: tìm người làm việc chăm chỉ, năng động, trên 16 tuổi.
Theo báo cáo của Nikkei cho biết, nhà máy này, được mua bởi Foxconn Đài Loan, có thể sớm bắt đầu sản xuất điện thoại Google Pixel, vì Google cũng tìm kiếm một sự thay thế cho chuỗi sản xuất tại Trung Quốc.
Nếu khoản đầu tư thành hiện thực, đó sẽ là một cú hích lớn cho Bắc Ninh, nơi có nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung, và cho Việt Nam, vốn đang nổi lên như một trong những điểm đến an toàn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Với chính sách chào đón đầu tư nước ngoài, chúng tôi hoan nghênh Google đến Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Tỉnh Bắc Ninh cho biết. Theo ông, Google đã lựa chọn Bắc Ninh, tuy nhiên chưa có kế hoạch hoạt động chi tiết và địa điểm chính xác.
Financial Times cho biết, rất khó để biết được có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân là do những công ty này thường giữ kín các động thái để tránh làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc.
Apple gần đây đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm AirPods tại Việt Nam. Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam gần đây, theo thông tin từ ông Vũ Ngọc Khiêm, giám đốc quốc gia của Global Sources, một công ty tư vấn, kết nối các nhà cung cấp toàn cầu với người mua.
Theo ông Quất, “Bắc Ninh đã thu hút 18,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây từ Samsung, Canon và Nokia”.
Vị trí địa lý là một yếu tố quan trọng khiến Bắc Ninh được lựa chọn. Tỉnh này cách Hà Nội 40 phút lái xe, cách sân bay Nội Bài - nơi Samsung xuất khẩu điện thoại đi khắp thế giới - 30 phút, hai giờ từ cảng Quảng Ninh, và cách biên giới Trung Quốc một giờ rưỡi.
Nhưng lực lượng lao động sản xuất của Việt Nam chỉ quy mô ngang với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Quy mô nhỏ hơn nghĩa là các nhà sản xuất khó tìm nguồn cung nguyên liệu, công nhân và quản lý địa phương.
Ông Stelvio Gugliemi, tổng giám đốc của ARDA, một công ty sản xuất đồ nội thất bên ngoài TP.HCM, cho biết kỹ năng của lao động trong nhà máy còn thấp và rất khó để thu hút lao động trình độ cao.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam khó có thể thay thế Trung Quốc. Song dù chiến tranh thương mại có xảy ra hay không, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chính mà các nhà sản xuất đã chọn để trở thành một phần của chiến lược Trung Quốc + 1.
"Không quốc gia nào có những lợi thế mà Trung Quốc có, không quốc gia nào ở Đông Nam Á có được điều đó. Tuy nhiên, Việt Nam có thể có được một vài lợi thế trong đó", ông Sitkoff nói.