Tác động của công nghệ thông tin đến sự phát triển của thị trường kiểm toán Việt Nam
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và đảm bảo tính trung thực của các thông tin tài chính, lưu trữ dữ liệu doanh nghiệp.
Công nghệ thông tin cũng khiến cho mức độ phức tạp của hệ thống thông tin cùng khối lượng giao dịch ngày càng tăng, dẫn tới hoạt động kiểm toán doanh nghiệp nếu thực hiện thủ công sẽ không đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của quy trình. Sự thay đổi của công nghệ thông tin là động lực để thị trường kiểm toán Việt Nam phát triển, cải cách quy trình và phương pháp tiếp cận.
Thị trường kiểm toán và các chủ thể tham gia
Thị trường kiểm toán là thị trường mà trên đó, trao đổi hàng hóa là dịch vụ kiểm toán, sự trao đổi này được thực hiện theo những quy định cụ thể của Luật Kế toán, Luật Kiểm toán và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các chủ thể tham gia thị trường kiểm toán bao gồm:
- Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán: Chủ thể thực hiện cuộc kiểm toán, với trách nhiệm đảm bảo chất lượng kiểm toán đúng chuẩn mực nghề nghiệp, nhằm giữ gìn và nâng cao uy tín nghề nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty.
- Khách hàng có nhu cầu sử dụng hàng hóa trên thị trường kiểm toán: Các doanh nghiệp (DN) hay tổ chức kinh tế có nghĩa vụ phải nộp báo cáo kiểm toán cho các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật; các DN muốn kiểm tra, kiểm soát hoạt động kế toán, kịp thời khắc phục các lỗ hổng trong hệ thống kế toán và lỗi sai trọng yếu của hệ thống vận hành.
- Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động của thị trường kiểm toán: Cơ quan ban hành các quy định nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát chất lượng kiểm toán.
Hàng hóa trên thị trường kiểm toán gồm: (i) Kiểm toán theo luật định; (ii) Kiểm toán báo cáo lập theo các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); (iii) Soát xét các báo cáo tài chính và thông tin tài chính; (iv) Kiểm toán báo cáo tài chính cho hồ sơ niêm yết; (v) Dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính; (vi) Dịch vụ các thủ tục thỏa thuận.
Ứng dụng công nghệ thông tin trên thị trường kiểm toán
Sử dụng công nghệ thông tin để lập hồ sơ kiểm toán
Hồ sơ kiểm toán (HSKT) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và đảm bảo chất lượng kiểm toán. HSKT cần được ghi chép đầy đủ, chính xác, làm cơ sở cho các phát hiện, ý kiến và đề xuất của kiểm toán viên (KTV). Theo D. Zitting (2014), HSKT truyền thống có nhiều nhược điểm như: (i) Không ghi chép đầy đủ các nội dung kiểm toán cần thiết; (ii) Dễ xảy ra sai sót do các KTV có thể tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của cùng một tài liệu, dẫn đến việc cập nhật, chia sẻ các phiên bản HSKT lỗi hoặc không cập nhật; (iii) Khó khăn trong kiểm soát quyền tiếp cận đến các HSKT.
Để giải quyết những hạn chế trên, một trong những giải pháp là sử dụng các phần mềm lập HSKT chuyên nghiệp. Các phần mềm này không chỉ hỗ trợ việc lập HSKT mà còn trợ giúp cho việc quản lý công việc kiểm toán. Các phần mềm này có thể tích hợp các bước và các thủ tục kiểm toán cần thực hiện và được xây dựng phù hợp với từng ngành nghề khác nhau như sản xuất, thương mại, ngân hàng... Các biểu mẫu được tự động tham chiếu lẫn nhau và được xây dựng tương ứng với từng giai đoạn của cuộc kiểm toán, như lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán.
Ngoài ra, những phần mềm kiểm toán này rất ưu việt, có nhiều chức năng khác nhau như chức năng đánh dấu những giấy tờ làm việc chưa được hoàn thành, các giấy tờ chưa được soát xét, hoặc đánh dấu các giấy tờ cần các cấp phê duyệt khác nhau như giám đốc hay trưởng phòng kiểm toán. Điều này làm tăng khả năng soát xét HSKT một cách hiệu quả.
Sử dụng công cụ và kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính
Các công cụ và kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính (CAATs) là các chương trình máy tính và dữ liệu được KTV sử dụng như là một phần của các thủ tục kiểm toán, để xử lý dữ liệu và thực hiện các thử nghiệm kiểm toán. Các công cụ và kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính có thể được sử dụng để thực hiện nhiều thủ tục kiểm toán khác nhau như: (i) Thực hiện kiểm tra chi tiết nhóm giao dịch và số dư, ví dụ sử dụng phần mềm kiểm toán để tính lại lãi suất, hoặc lựa chọn ra các hóa đơn từ một mức giá trị nào đó trở lên từ hệ thống máy tính; (ii) Thực hiện các thủ tục phân tích, để xác định các điểm không nhất quán hoặc các mức biến động lớn; (iii) Thực hiện thử nghiệm kiểm toán đối với các kiểm soát chung và kiểm soát ứng dụng liên quan đến hệ thống CNTT của khách hàng; (iv) Hỗ trợ chọn mẫu kiểm toán bằng cách khai thác các dữ liệu để chọn mẫu kiểm tra; (v) Tính toán lại sự chính xác của các dữ liệu...
Một số công cụ và kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính thường được sử dụng, bao gồm:
- Sử dụng dữ liệu thử nghiệm: Đây là kỹ thuật kiểm toán, trong đó KTV nhập một mẫu dữ liệu thử nghiệm vào hệ thống máy tính của đơn vị, để kiểm tra xem các hoạt động kiểm soát tự động có xử lý đúng các dữ liệu hay không. Dữ liệu thử nghiệm cũng có thể được sử dụng trong các thử nghiệm cơ bản, để kiểm tra xem hệ thống máy tính của khách hàng có tạo ra kết quả số liệu như dự kiến hay không.
- Sử dụng phần mềm kiểm toán: Phần mềm kiểm toán là chương trình máy tính được thiết kế, để xử lý các số liệu trong hệ thống kế toán của khách hàng. Các phần mềm kiểm toán cho phép KTV thực hiện các thử nghiệm kiểm toán trên các tập dữ liệu. KTV có thể thu thập bản sao một số cơ sở dữ liệu của khách hàng và sử dụng phần mềm kiểm toán, để thực hiện một số thủ tục kiểm toán trên cơ sở dữ liệu đó.
Tác động của công nghệ thông tin đến thị trường kiểm toán
Theo những nghiên cứu gần đây ở Việt Nam, CNTT đang được áp dụng ở mức độ nhất định trong hoạt động kiểm toán độc lập. Điển hình như nghiên cứu của TS. Hồ Ngọc Hà (2012) và TS. Lê Thị Thu Hà (2015) cho thấy, các công ty kiểm toán ở Việt Nam hiện nay đều áp dụng CNTT, trong việc lập và lưu trữ HSKT. Tuy nhiên, mức độ áp dụng của các công ty kiểm toán còn chưa đồng bộ, còn một số tồn tại, hạn chế.
Hiện chỉ có các công ty kiểm toán như Big Four và một số công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế đã sử dụng phần mềm kiểm toán chuyên nghiệp, trong lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục kiểm toán. Các công ty kiểm toán còn lại chủ yếu sử dụng các ứng dụng văn phòng như Microsoft Word và Excel để lập giấy tờ kiểm toán và sử dụng các công cụ trong Excel thực hiện các thủ tục phân tích. Nhiều công ty kiểm toán chưa sử dụng các phần mềm chuyên dụng để lập HSKT và thực hiện thủ tục kiểm toán. Vì vậy, hiệu quả công việc chưa cao, đặc biệt là khi kiểm toán các khách hàng lớn có hệ thống CNTT phức tạp như các ngân hàng, công ty bảo hiểm... Việc ứng dụng CNTT và các kỹ thuật kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính chưa được áp dụng một cách rộng rãi, dẫn tới các hạn chế trong việc phân tích, xử lý các thông tin, giao dịch của khách hàng.
Ngoài ra, mức độ hiểu biết chuyên sâu về CNTT tại các công ty kiểm toán còn có sự khác biệt. Tại các công ty kiểm toán Big Four, bên cạnh bộ phận kiểm toán đều có bộ phận CNTT hỗ trợ cho hoạt động kiểm toán. Ví dụ, khi kiểm toán những đơn vị có hoạt động phụ thuộc lớn vào hệ thống CNTT như các ngân hàng thương mại, KTV xác định các vấn đề cần kiểm tra, bộ phận CNTT sẽ thực hiện các thủ tục, nhằm xác minh những vấn đề này. Những vấn đề được kiểm tra có thể bao gồm: Kiểm tra tính bảo mật và phân quyền trong hệ thống thông tin ngân hàng, kiểm tra việc quy định và thực hiện các thủ tục kiểm soát chung và kiểm soát ứng dụng trong ngân hàng. Đối với các khoản mục thu nhập lãi, chi phí lãi, bộ phận CNTT có thể kiểm tra lại thuật toán tính lãi để đảm bảo công thức tính trong hệ thống là đúng.
Các công ty kiểm toán khác thường không có bộ phận CNTT riêng biệt. Vì vậy, khi kiểm toán những đơn vị có hệ thống công nghệ phức tạp, các công ty này sẽ đi thuê chuyên gia công nghệ từ bên ngoài hoặc là không sử dụng các chuyên gia công nghệ. Với quy mô giao dịch lớn và mức độ ứng dụng CNTT lớn trong các doanh nghiệp (DN) hiện nay thì việc không sử dụng các thủ tục kiểm toán có sự trợ giúp của máy tính, có thể ảnh hưởng tới chất lượng và tính hiệu quả của cuộc kiểm toán. Bên cạnh đó, rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng đối với cơ quan quản lý và DN. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kiểm toán chưa chính thức để thực hiện các mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cơ qua kiểm toán…
Phát triển thị trường kiểm toán Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ
Để ứng dụng hiệu quả CNTT trong các hoạt động kiểm toán và thúc đẩy thị trường kiểm toán Việt Nam phát triển, các cơ quan quản lý, các DN cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Về phía cơ quan quản lý
Các cán bộ, ngành công chức, kế toán, kiểm toán viên phải kịp thời nâng cao trình độ ứng dụng CNTT để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong công việc. Trong lĩnh vực kiểm toán, hoạt động kiểm toán nói chung và Kiểm toán Nhà nước nói riêng đều thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính do kế toán xử lý và cung cấp. Vì vậy, sự thay đổi của quy trình, thủ tục xử lý, tổng hợp thông tin cũng như việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính trong bối cảnh CNTT phát triển mạnh mẽ cũng đòi hỏi ngành Kiểm toán Nhà nước nên đổi mới quy trình kiểm toán cũng như việc vận dụng các phương pháp kiểm toán. Ngoài ra, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc; Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức chuyên trách CNTT đảm bảo đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống CNTT của Kiểm toán Nhà nước.Các cơ quan quản lý về kế toán, kiểm toán cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu; Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, nhiều tầng, nhiều lớp, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài…
Về phía các doanh nghiệp kiểm toán
- Nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp: Cách mạng CNTT mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức, với cá nhân người làm việc trong lĩnh vực kiểm toán phải nâng cao khả năng công nghệ và tầm nhìn, đồng thời là năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hình ảnh của DN được thể hiện qua đạo đức nghề nghiệp, một nhân viên kiểm toán có được đạo đức nghề nghiệp sự tôn trọng sự thật tạo niềm tin từ khách hàng.
- Đầu tư phát triển hạ tầng CNTT tại DN và phòng chống lỗ hổng bảo mật an ninh mạng: Sử dụng các phần mềm kiểm toán để thực hiện dịch vụ kiểm toán, các phần mềm lưu trữ và bảo mật dữ liệu kiểm toán nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng, phòng tránh rủi ro mất an toàn thông tin.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2012), Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
2. Hà Thị Ngọc Hà (2012), "Các giải pháp hoàn thiện, tăng cường kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán báo cáo tài chính các đơn vị có lợi ích công chúng" Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành, Bộ Tài chính;
3. Lê Thị Thu Hà (2015), “Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Ngân hàng;
4. Arens, R. Elder, M. Beasley (2015), Audit and assurance sevices, 15th edition, ebook;
5. ACCA (2016), Audit and assurance sevices, BPP Leaning Media.