Vì sao cổ phần hóa DNNN chậm?

Theo TBKTSG

Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện vẫn chưa cổ phần hóa theo lộ trình đã được Chính phủ đề ra từ năm 2006-2010. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết:

Quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm một phần là do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm. Bản thân thị trường chứng khoán từ năm 2008 đến nay gặp rất nhiều khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm, vì vậy, chính các công ty không dễ dàng để tìm được nhà đầu tư mua cổ phần, trong đó có cả cổ đông chiến lược và nếu có thì lại đòi mua với giá thấp. Mặc dù Chính phủ vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa nhưng không phải bằng mọi giá, vì như thế vô hình trung là có hại chứ không phải có lợi cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, việc cổ phần hóa là để mang lại cho doanh nghiêp không những vốn mà còn là công nghệ, kỹ thuật, cách thức quản lý… trong khi các doanh nghiệp cổ phần hóa đều là tập đoàn lớn nên việc tìm được cổ đông chiến lược thỏa mãn các yếu tố là điều không dễ.

Trong những năm qua, chủ trương của Chính phủ là giữ một số tổng công ty lớn nhưng đồng thời vẫn hình thành những tập đoàn đa sở hữu bằng cách cổ phần hóa các tập đoàn mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ 100% vốn. Nhà nước là chủ sở hữu chỉ cần nắm tỷ lệ vốn nhất định đủ để chi phối chứ không cần 100% vốn, trừ những lĩnh vực đặc biệt. Vì thế, quá trình này vẫn sẽ được chú trọng trong những năm tiếp theo.

Trong đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước 2011-2015, dự kiến sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp được cổ phần hóa? Các doanh nghiệp lớn như Việt Nam Airlines, Mobifone, Vinatex… đều cho biết sẽ cố gắng cổ phần hóa trong năm nay và năm sau, thông tin này có chính xác không, thưa ông?

Từ trước đến nay cả nước đã cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp, hiện tại vẫn còn khoảng 1.000 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Theo chỉ đạo của chính phủ thì các doanh nghiệp buộc phải đăng ký cổ phần hóa hết trong giai đoạn 2011-2015.

Các doanh nghiệp đã đề cập ở trên đều đã đăng ký khởi động tiến trình cổ phần hóa trong năm nay và năm sau. Cụ thể như Việt Nam Airlines cho biết sẽ chính thức cổ phần hóa vào đầu năm 2011, trong khi đó, Mobifone vào khoảng cuối năm nay. Các đơn vị này hiện đang tích cực tìm tổ chức tư vấn. Vinatex cũng đã cổ phần hóa hầu như tất cả công ty con và theo lộ trình thì cuối năm nay sẽ cổ phần hóa cả tập đoàn.

Nhưng liệu các dự định này có trở thành hiện thực không, thưa ông?

- Việc định giá doanh nghiệp và thực hiện các vấn đề liên quan đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi phải kéo dài trong 1 năm đến 2 năm, những khó khăn trong việc tìm kiếm tổ chức tư vấn phù hợp cũng sẽ là những rào cản cho việc các doanh nghiệp cổ phần hóa đúng hẹn.

Thêm vào đó, một yếu tố khách quan nhưng vô cùng quan trọng là diễn biến của thị trường chứng khoán. Trong khi nhiều yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá đang khiến chứng khoán trở nên ảm đạm và chưa có dấu hiệu khởi sắc thì việc các doanh nghiệp có muốn bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng khó. Vì vậy, chưa thể nói trước được là dự định của các doanh nghiệp trên có thực hiện được không?

Việc cổ phần hóa của doanh nghiệp trong năm nay so với các năm về trước có những thuận lợi gì hơn, thưa ông?

Hiện tại Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp muốn cổ phần hóa, quy trình thực hiện cũng đã cải tổ để thông thoáng hơn. Khi có các khó khăn, doanh nghiệp có thể đề nghị để được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, vào tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình chính phủ văn bản thay thế Nghị định 109/2007/NĐCP để sửa đổi về các vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp như xử lý tài chính, xác định giá trị sở hữu đất đai, giá trị thương hiệu, mua bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, giải quyết thu nhập với người lao động...

Trước đây, việc tìm tổ chức tư vấn cổ phần hóa của doanh nghiệp không dễ, nhưng hiện nay doanh nghiệp có kinh phí dành cho việc cổ phần hóa, nếu chi phí quá cao thì có thể xin ý kiến của Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ để được xem xét.

Xin cảm ơn ông!