Vì sao Detroit không thể trả nổi khoản nợ 18,5 tỷ USD?

Theo dddn.com.vn

18,5 tỷ USD chỉ là cái cớ trực tiếp dẫn đến sự phá sản, ẩn sau đó là 7 nguyên nhân giải thích vì sao Detroit vỡ nợ.

Vì sao Detroit không thể trả nổi khoản nợ 18,5 tỷ USD?
Dân số giảm, thất nghiệp cao kỷ lục đe dọa sức sản xuất của thành phố Detroit. Nguồn: Internet

Gánh khoản nợ lên đến 18,5 tỷ USD, hành động đệ đơn xin phá sản, theo chương 9, Luật Bảo hộ phá sản (Mỹ) của thành phố Detroit, chính là sự thừa nhận việc vỡ nợ của thành phố này. Nhưng ẩn đằng sau quyết định không thể tránh khỏi ấy là dấu hỏi về khả năng trả nợ, chứ không phải số tiền nợ là bao nhiêu.

Tình hình hiện nay không có gì bất ngờ. Kết cục của Detroit đã được lường trước trong những kết luận đưa ra đầu tháng 7 từ một nghiên cứu của 2 nhà phân tích của công ty BlackRock, Mỹ.

Nghiên cứu này đã nêu 7 lý do đằng sau sự thất bại của một biểu tượng từng được mệnh danh là “kinh đô xe hơi” của Mỹ.

Trước tiên, Detroit chứng kiến cảnh dân số giảm 63% kể từ năm 1950. Từ một thành phố đông dân thứ 4 ở Mỹ, với 1,8 triệu dân năm 1950, đến nay Detroit chỉ còn vỏn vẹn 685.000 người.

Nhưng hơn nửa triệu người đó đang phải trải qua thời kỳ khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp cao. Dù đã giảm mạnh trong nhiều năm qua, từ tỷ lệ cao nhất, lên đến 27,8% hồi tháng 7/2009, xuống còn 16,3% như hiện nay, nhưng đây vẫn là một con số kỷ lục đối với các thành phố khác của Mỹ. 

Chưa kể khung cảnh hoang tàn và khủng hoảng bất động sản là 2 hiện tượng cùng tồn tại trong thành phố, khiến các khoản thu thuế bất động sản giảm nghiêm trọng. Năm 2011, chỉ có 53% chủ nhà đóng thuế bất động sản, đồng thời có tới hàng chục nghìn ngôi nhà bị bỏ hoang và dần trở thành đống đổ nát. 

Áp lực nguồn thu giảm còn đội lên cùng các khoản chi phí cao của chính quyền thành phố. Đặc biệt tại trung tâm thành phố, trách nhiệm bảo đảm khoản chi trả tiền lương cho người lao động, trả lương hưu và bảo hiểm y tế.

Thậm chí, có những khoản chi không thực sự hiệu quả. Gần 40% công trình công cộng không hoạt động. Với nhiều công trình công cộng đang xuống cấp, bị bỏ rơi và hư hỏng đã đánh dấu sự thất bại của chính quyền thành phố trong nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh một biểu tượng của xe hơi, Detroit còn là thành phố của tội phạm. Hiện tỷ lệ tội phạm tại đây cao nhất so với các thành phố khác và gấp 5 lần mức trung bình toàn liên bang.

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự phá sản của Detroit chính là sự yếu kém trong quản lý tài chính nội bộ đã đẩy một thành phố từ nợ nần đến phá sản. Kevyn Orr, chuyên gia được bang Michigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp tại Detroit, đánh giá, quản lý tài chính yếu kém, cũng như những cuộc đấu tranh chính trị trong nội bộ chính quyền đã dẫn đến tình hình hiện nay.

Số nợ 18,5 tỷ USD chỉ là cái cớ trực tiếp dẫn đến sự phá sản, ẩn sau đó là 7 nguyên nhân giải thích vì sao Detroit vỡ nợ. Vấn đề sâu xa không hẳn vì Detroit nợ quá nhiều mà là bởi thành phố này không có khả năng trả nợ. Thực tế, Detroit không tìm đâu ra tiền để trả nợ. Bởi tình trạng dân số giảm đi kèm thất nghiệp cao tạo ra ảnh hưởng lâu dài đến sự suy giảm lực lượng lao động, còn chính quyền đã thất bại hoàn toàn trong công tác quản lý thu-chi và tài chính của mình.

Thành phố Detroit sẽ không chết nhưng rất cần những thay đổi lớn để "lột xác" và để một lần nữatỏa sáng như ánh hào quang xưa của một "kinh đô xe hơi".