Vì sao Mỹ - Trung nên "đình chiến" công nghệ?
Thế giới sẽ khó có thể xây dựng một cơ chế quản trị dữ liệu số đa phương hiệu quả, chừng nào Mỹ và Trung Quốc - quê nhà của nhiều trong số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, còn "chiến tranh công nghệ" với nhau.
Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, dễ đi đến kết luận rằng, hành vi "cấm cửa" các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat của chính quyền Trump trong thời gian gần đây là một phần trong chiến lược tái tranh cử có trọng tâm thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ẩn sau động thái này, cũng như sự đáp trả từ phía Trung Quốc, là phần chìm của một vấn đề sâu sắc hơn, vốn đã tồn tại và nhen nhóm nhiều năm trong nền kinh tế toàn cầu - một vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hợp tác.
Nguyên tắc thương mại không đổi từ 1990
Trước hết, cần biết rằng, dữ liệu số đã và đang trở thành huyết mạch của tăng trưởng thương mại trong thế kỷ XXI. Đi cùng với sự phát triển của công nghệ và kinh tế số, hoạt động thương mại thông qua các dịch vụ điện tử (trong đó có TikTok) cũng bùng nổ với tốc độ vượt bậc.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia từ McKinsey & Co., các luồng dữ liệu trên "không gian ảo" ngày càng giúp củng cố cho hoạt động thương mại hàng hoá ngoài đời thật, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng và hỗ trợ tích cực cho các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như các công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (A.I.) hay Internet Vạn vật (IoT). Tính riêng trong giai đoạn 2005 - 2017, lượng băng thông xuyên biên giới được sử dụng đã tăng gấp 148 lần.
Song, điều đáng chú ý là các nguyên tắc thương mại toàn cầu lại hầu như không thay đổi từ những năm 1990. Để so sánh, thì ấy giống như việc nền kinh tế thế giới đang cố sức chạy một phần mềm có nền tảng đám mây hiện đại trên một chiếc máy tính với hệ điều hành Windows 95 vậy.
Thế nên, trong bối cảnh thế giới đang thiếu các bộ nguyên tắc chung về quản trị dòng chảy của dữ liệu, chính phủ các nước đã tự xây dựng những bản "vá lỗi" riêng, nhằm điều tiết dữ liệu, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân. Đơn cử như Nguyên tắc Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) được Liên minh châu Âu (EU) triển khai vào năm 2018, luật an ninh mạng của Trung Quốc, hay luật bảo vệ dữ liệu số mà Ấn Độ đang xây dựng.
Cần thiết quy chuẩn quản trị dữ liệu chung
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số lượng bộ nguyên tắc về quản lý dữ liệu trên thế giới đã tăng gấp 5 lần trong 2 thập niên qua, từ mức 50 vào những năm 2000 lên xấp xỉ 250 vào năm 2019. Trong khi đó, mức độ kiểm soát dữ liệu nói chung cũng tăng gấp đôi trong 10 năm qua, theo dữ liệu từ Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu.
Cụ thể hơn, kể từ đầu tháng 7/2020, không chỉ riêng Mỹ ra sắc lệnh chống lại Tiktok và WeChat, Ấn Độ cũng cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong khi tòa án tối cao của EU kích hoạt chế độ Bảo vệ Quyền riêng tư đối với Facebook và Twitter. Đồng thời, Mỹ cũng đang vướng phải tranh chấp pháp lý về việc đánh thuế dữ liệu số với một số quốc gia châu Âu…
Thực tế cho thấy, do các quy định và bộ nguyên tắc về quản lý luồng dữ liệu số được xây dựng độc lập bởi các quốc gia khác nhau, nên đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp công nghệ, tạo ma sát trong lợi ích giữa các quốc gia.
Đương nhiên, các quốc gia khác nhau sẽ có quan điểm, hệ giá trị và năng lực thực thi khác nhau trong quản trị dữ liệu. Tất cả đều có quyền điều tiết dữ liệu sao cho phù hợp với mục tiêu an ninh quốc gia.
Song, rõ ràng, thế giới cần thiết một bộ quy chuẩn chung về quản lý dữ liệu, để tránh gia tăng xung đột, gây khó khăn cho sự liên kết của hệ thống mạng toàn cầu, và cản trở sự tương tác cũng như dòng vốn đầu tư và sự đổi mới.
Thời gian qua, một số thỏa thuận song phương và khu vực đã đề cập đến những nguyên tắc chung này. Trong đó, có thể kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với riêng một chương về thương mại điện tử, cho phép các nước thành viên điều tiết luồng dữ liệu theo nguyên tắc chung là hạn chế tối đa các rào cản thương mại.
Mỹ - Trung cần đồng thuận và hợp tác
Tuy nhiên, để có thể xây dựng một cơ chế quản trị dữ liệu số đa phương hiệu quả, cần thiết cả sự tham gia của Mỹ lẫn Trung Quốc, khi cả hai đều là nơi phát triển của nhiều trong số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Do đó, thay vì coi các công ty của nước còn lại là mối đe doạ cho an ninh quốc gia, cả Mỹ lẫn Trung Quốc cần thiết sự đồng thuận và hợp tác, để hướng tới xây dựng các tiêu chuẩn chung về công nghệ số trên toàn cầu.
Theo đó, để đạt mục tiêu này, Washington và Bắc Kinh trước nhất cần hoàn tất đàm phán về thương mại điện tử trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để đề ra các nguyên tắc và ngoại lệ cơ bản mang tính toàn cầu cho dữ liệu số, cũng như đảm bảo phát huy vai trò trung tâm của hệ thống WTO.
Tiếp theo, Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) cần tiếp tục xây dựng chương trình nghị sự dựa trên Tuyên bố Osaka về Kinh tế Số tại Hội nghị G20 diễn ra ở Nhật Bản vào năm ngoái, mà trong đó, đã khẳng định sự cần thiết của các cuộc thảo luận chính sách quốc tế nhằm tối ưu lợi ích của tiến trình số hoá.
Cuối cùng, Digital 20 (D-20) - nhóm 20 công ty công nghệ số lớn nhất thế giới, cần tập hợp số liệu từ chính phủ, các ngành công nghiệp, viện hàn lâm và tổ chức phi chính phủ để giúp xây dựng các chính sách khả thi, thực tế, đảm bảo an ninh quốc gia, trong khi vẫn cung cấp dịch vụ đáng tin cậy, bảo đảm quyền riêng tư, minh bạch và dễ sử dụng.
Ngoài ra, để đảm bảo an ninh cho các bên, các quốc gia nên được khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để làm thước đo cho các chính sách trong nước, đơn cử như bộ tiêu chuẩn an ninh thông tin ISO 27000.