Vì sao nhiều chợ đêm, phố đi bộ "lạc bước"?


Hiện nay, các mô hình như chợ đêm, phố đi bộ ban đêm được hình thành ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, các mô hình này sớm đìu hiu...

Nhiều quầy hàng ở phố đi bộ ban đêm Hoàng Thành Huế ế ẩm, hoạt động cầm chừng.
Nhiều quầy hàng ở phố đi bộ ban đêm Hoàng Thành Huế ế ẩm, hoạt động cầm chừng.

Phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, khác xa với không khí tưng bừng, hoành tráng của lễ khai trương, các chợ đêm, phố đi bộ ban đêm sau thời gian hoạt động đã không thu hút được người dân, du khách. Tình trạng nhiều chợ đêm, phố đêm hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động diễn ra phổ biến.

Chợ đêm Đông Hà được xây dựng trên diện tích 1,3ha, thuộc phường 2, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tổng kinh phí đầu tư gần 11,5 tỷ đồng. Được đầu tư nhiều hạng mục công trình bài bản, sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, hệ thống giao thông nội bộ, xây dựng các gian hàng thương mại, khu ẩm thực, khu nhà trưng bày sản phẩm… Chợ đêm Đông Hà đi vào hoạt động từ tháng 8/2019, với mong muốn sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân tại TP. Đông Hà, thu hút du khách. Thế nhưng, sau thời gian đầu hoạt động cầm chừng, đến nay chợ này không còn cảnh buôn bán, vui chơi, giải trí...

Tương tự, phố đi bộ Hoàng Thành Huế (TP. Huế, Thừa Thiên Huế) sau hơn một năm đi vào hoạt động cũng “lạc bước” so với những gì kỳ vọng của lãnh đạo địa phương đề ra. Phố đi bộ Hoàng Thành Huế được khai trương vào tháng 4/2022, hoạt động từ 19h đến 23h các ngày thứ 6, thứ 7 hàng tuần, tại các trục đường Hai Ba Tháng Tám và đường Lê Huân (TP. Huế).

Với ý tưởng tái hiện không gian về một Huế xưa để nhân dân và du khách thưởng thức các loại hình diễn xướng, trải nghiệm trò chơi dân gian, các ngành nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực, hàng lưu niệm đặc trưng Huế. Phố đêm Hoàng Thành Huế được kỳ vọng sẽ góp phần là một trong những điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách trong bức tranh du lịch Huế.

Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên hiện này các hoạt động tại phố đi bộ Hoàng Thành Huế không còn nhộn nhịp, lượng người đến với khu phố này ngày một ít đi, không khí vắng lặng vào dịp cuối tuần. Hiện nay, chỉ tồn tại một vài quầy hàng buôn bán, tình trạng nhiều quầy hàng đóng cửa, bỏ quầy diễn ra khá phổ biến; hoạt động văn hoá, nghệ thuật vẫn diễn ra nhưng vẫn chưa thực sự hút người xem.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều chợ đêm, phố đi bộ ban đêm ế khách, đó là mô hình tổ chức na ná nhau giữa các địa phương và mặc dù có điểm nhấn, đặc trưng riêng nhưng vẫn chưa rõ nét, chưa thực sự thu hút người dân và du khách. Dịch vụ nhìn chung nghèo nàn, công tác quy hoạch, sắp xếp, trung bày chưa chuyên nghiệp, bắt mắt. Các dịch vụ mua sắm, hàng lưu niệm giống nhau, nhàm chán; ẩm thực, giải trí đơn điệu, giá rẻ, chất lượng hàng hoá chưa thực đảm bảo…

Bên cạnh đó, một số chợ đêm sau một thời gian hoạt động lại biến tướng, nhếch nhác không như mục đích ban đầu đề ra. Trong đó, có nhiều quầy hàng sau thời gian kinh doanh hàng hoá không hiệu quả lại quay sang bán quán nhậu, nấu nướng, mở nhạc quá to… đã làm mất đi không gian trải nghiệm, mua sắm đáng có. Một nguyên nhân khác, là do thời tiết miền Trung không thuận lợi, những tháng mùa đông mưa rét cũng đã ảnh hưởng phần nào hoạt động tại các chợ đêm, phố đêm; phần khác là văn hoá mua sắm ở chợ đêm chưa thành thói quen của đại đa số người dân.

Một lãnh đạo ngành du lịch cho biết, hiện nay các mô hình chợ đêm, phố đi bộ ban đêm ở nhiều địa phương nước ta còn manh mún, chưa thực sự bài bản như một số nước trên thế giới, có chăng các địa phương chỉ thu hút du khách và người dân qua các dịch vụ tại khu mua sắm, khu ẩm thực, quán cà phê, bar, vũ trường… Nhiều địa phương, hạ tầng dành cho kinh tế đêm chưa đảm bảo, chưa có quy hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm mà chủ yếu phát triển dựa trên hệ thống hạ tầng hiện có. Môi trường dịch vụ, thương mại còn nhiều hạn chế; nạn chèo kéo khách, nâng giá, thói quen sinh hoạt của người dân cũng gây nhiều bất lợi trong hoạt động du lịch về đêm.

Ngày 27/7/2020 Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Trong đó, yêu cầu ưu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người dân Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch; khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống…

Để khái niệm “kinh tế ban đêm” thực sự mang lại hiệu quả như đề án, thiết nghĩ cấp chính quyền, sở ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ cùng ngồi lại “giải bài toán” đâu là điểm mạnh, điểm yếu, những vướng mắc thực tại, lâu dài tại chợ đêm, phố đêm. Trong đó, cần có những chính sách hỗ trợ trước mắt như thuê mặt bằng, hỗ trợ trong thiết kế, trưng bày quầy hàng để phù hợp với thời tiết, khí hậu từng địa phương; thường xuyên giám sát chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn về sinh thực phẩm...

Về lâu dài, căn cơ cần đào tạo đội ngũ nhân lực trong kinh doanh, buôn bán ở chợ đêm, phố đêm; cho vay vốn ưu đãi, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết giữa các địa phương trong quy hoạch phát triển mô hình này và các đơn vị lữ hành du lịch tích cực giới thiệu các chợ đêm, phố đêm làm điểm đến cho du khách…

Theo Báo Công Thương