Vì sao truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển nội địa?
Gần đây, dư luận có dành sự quan tâm tới việc cơ quan Hải quan ban hành các quyết định truy thu thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất (TNTX) chuyển tiêu thụ nội địa đối với một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Cho đến nay đã có 6/7 doanh nghiệp thực hiện các quyết định truy thu của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp cho rằng thời điểm tính thuế cũng như các văn bản áp dụng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan là chưa phù hợp. Do đó, ngày 2/7, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp bàn với đại diện một số Bộ: Tài chính, Công Thương, Tư pháp về xử lý thuế đối với xăng dầu TNTX chuyển tiêu thụ nội địa.
Vì đâu?
Trong năm 2012 Tổng cục Hải quan đã thực hiện kiểm tra đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu TNTX với biên độ từ năm 2009 - 2012. Qua kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh TNTX không thay thế tờ khai khác đối với số lượng xăng dầu đã đăng ký NK theo loại hình TNTX chuyển sang tiêu thụ nội địa theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP. Trên thực tế, khi chuyển sang tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp áp dụng thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu, thời điểm đăng ký tờ khai TN để kê khai nộp thuế NK, thuế GTGT (nếu có), thuế Tiêu thụ đặc biệt. doanh nghiệp viện dẫn khoản 3 Điều 37 Thông tư 194/2010/TT-BTC.
Do cách hiểu khách nhau về thời điểm tính thuế, nên ngày 7/12, Bộ Tài chính đã có công văn 17060/BTC-VP hướng dẫn các cục hải quan địa phương xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu đã TN nhưng không TX hoặc không TX hết, được chuyển tiêu thụ nội địa theo thời điểm đăng ký tờ khai theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng công văn theo hướng áp dụng từ thời điểm ban hành công văn không hồi tố.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, công văn 17060 là văn bản giải đáp, nhắc lại các quy định của văn bản pháp luật, cụ thể giải đáp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 154. Việc thực hiện truy thu thuế xăng dầu TNTX không TX hết chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012 là đúng quy định pháp luật tại Nghị định 154 và đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc truy thu thuế đảm bảo tránh hồi tố.
Do đó, kết quả thực hiện cơ quan Hải quan đã ra quyết định truy thu thuế đối với doanh nghiệp phát sinh tổng số tiền là 345 tỷ đồng. Đến nay có 6 doanh nghiệp đã nộp đủ số thuế 319 tỷ đồng. Gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (170 tỷ đồng), Công ty Hóa dầu Quân đội (10 tỷ đồng), Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (56 tỷ đồng), Tổng công ty Quân đội (19 tỷ đồng) , Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà nộp (640 triệu đồng), Tổng công ty Dầu Việt Nam (62 tỷ đồng). Riêng Công ty CP Lọc hóa dầu Nam Việt vẫn chưa nộp 26 tỷ đồng vào NSNN, một trong những lý do được công ty đưa ra là “không đủ tiền”.
Thống nhất cách áp dụng
Để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp với đại diện một số Bộ để thống nhất quan điểm trong việc xử lý thuế đối với xăng dầu TNTX chuyển tiêu thụ nội địa.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp đưa ra quan điểm, nếu khai xăng dầu là hàng TNTX thì mục đích sử dụng là TNTX và được hưởng quy chế ưu đãi của hàng TNTX, nếu chuyển tiêu thụ nội địa thì phải chịu thuế. Vấn đề ở đây là cách tính toán và thời điểm áp dụng thế nào.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, công văn 17060 chỉ là văn bản mang tính chất điều hành nội bộ của Bộ Tài chính, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, khi Thông tư 194 và Nghị định 154 có những điểm không khớp nhau, trường hợp này Luật Ban hành văn bản pháp luật đã quy định trong trường hợp cùng một vấn đề văn bản có cơ sở pháp lý cao hơn thì được ưu tiên áp dụng.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho biết, Thông tư 194 hay Thông tư 79 đều có căn cứ pháp lý là Nghị định 154. Tại Nghị định 154 và Luật Hải quan đều quy định việc hàng hoá xuất nhập khẩu đi qua cửa khẩu phải đăng ký tờ khai. Việc thay đổi loại hình xuất nhập khẩu thì phải đăng ký lại tờ khai. Lý giải về sự “vênh nhau” giữa Nghị định 154 và Thông tư 194 trong việc hướng dẫn thủ tục đối với hàng TNTX chuyển tiêu thụ nội địa, vị này cho biết, do mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, khi hướng dẫn thực hiện Nghị định 154 và Luật Hải quan tại Thông tư 194 hay Thông tư 79 hướng dẫn chung cho rất nhiều loại hình khác mà không chỉ riêng đối với loại hình TNTX, nên Điều 37 đều chỉ hướng dẫn đối với hàng hoá chuyển loại hình không phải đăng ký tờ khai.
Tuy nhiên, có một điểm không thay đổi trong Luật thuế xuất nhập khẩu cũng như Thông tư 194 là thời hạn nộp thuế, phạt chậm nộp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này. Trở lại khoản 2 Điều 18 Thông tư 79 cũng như Thông tư 194 đều quy định, thời điểm tính thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Vì thế việc linh hoạt trong việc làm thủ tục có bất cập, chưa phù hợp so với Nghị định 154, nhưng về mặt nghĩa vụ nộp thuế cũng như thời điểm xác định tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai và theo thời điểm chuyển loại hình XNK.
Trao đổi thêm về thời điểm tính thuế và căn cứ tính thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chuyển đổi mục đích, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, Luật Quản lý thuế cho phép khai bổ sung và tại Điểm g, Điều 18, Thông tư 194 cũng quy định, trường hợp khai bổ sung hồ sơ về bản chất là việc đăng ký lại loại hình và phải tính thuế kê khai thuế theo đúng quy định tại Điều 37. Trường hợp chuyển mục đích không phải đăng ký tờ khai nhưng phải đănh ký lại với cơ quan Hải quan.
Hình thức này được xem như hình thức khai bổ sung và khai bổ sung dẫn đến chênh lệch thuế phải nộp thuế hoặc khai báo liên quan đến thủ tục về số lượng chủng loại loại hình. Trong Thông tư 194 cũng quy định trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, khai báo nộp bổ sung tiền thuế thiếu theo quy định Điều 12 thông tư này là thời hạn nộp thuế tính từ thời điểm khai báo, làm thủ tục hải quan.
Những ý kiến tham gia của đại diện các đơn vị sẽ được Tổng cục Hải quan tổng hợp trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 28/2/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 120/BTC-TCHQ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện áp dụng thời điểm tính thuế theo thời điểm thay đổi loại hình nhập khẩu từ kinh doanh TNTX sang chuyển tiêu thụ nội địa đối với các lô hàng xăng, dầu đã TN nhưng không TX hoặc TX không hết, được chuyển tiêu thụ nội địa kể từ ngày 1/1/2012 không hồi tố năm 2011 về trước do doanh nghiệp đã quyết toán nên không có nguồn để nộp vào NSNN nếu truy thu.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại công văn số 622/VPCP-KTTH ngày 5/4/2013 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan căn cứ quy định của pháp luật, kết quả kiểm tra sau thông quan, tiến hành xử lý truy thu đối với doanh nghiệp có các lô hàng xăng, dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc tái xuất không hết, được chuyển tiêu thụ nội địa phát sinh trong năm 2012. Không kiểm tra xử lý đối với những trường hợp doanh nghiệp đã quyết toán tài chính phát sinh từ ngày 31/12/2011 trở về trước để tránh hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng hơn đối với doanh nghiệp.