Vì sao tỷ giá USD/VND không chịu hạ nhiệt?
(Tài chính) Một tuần sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lên tiếng về biến động tỷ giá USD/VND trong hơn một tháng qua, một phản ứng đồng thuận như mong muốn của nhà điều hành chính sách là chưa có, thậm chí ngược lại.
Sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu, giá USD của các ngân hàng thương mại lập tức tăng ngược trở lại so với xu hướng điều chỉnh trước đó.
Thống đốc Bình nói rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, cũng như nêu các cơ sở có sức nặng như dự trữ ngoại hối ở mức cao, cán cân thương mại thặng dư lớn… Thế nhưng, ông lại để ngỏ một khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới như một cách để hạn chế việc VND bị định giá quá cao, để hỗ trợ cho xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong phát biểu của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại nói rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá thì sẽ không quá 2%. Điều này được thị trường đặc biệt chú ý, bởi chỉ hơn một tháng trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014, ông Bình tự tin định hướng, nếu điều chỉnh tỷ giá thì đến cuối năm cũng không quá 1%.
Sự chập chờn trong định hướng này chắc chắn có tác động đến kỳ vọng của thị trường, khi mức độ nếu có điều chỉnh đã lớn hơn nhiều mà thời gian còn lại của năm đã vơi đi một nửa.
Với lại, lần điều chỉnh ngày 28/6 năm ngoái có lẽ cũng ám ảnh vào sự chờ đợi của người nắm giữ ngoại tệ. Hiểu đơn giản, khi Thống đốc để ngỏ khả năng điều chỉnh, mà mức độ có thể tới 2%, nếu bán ra lúc này – khi chưa điều chỉnh – có thể bị hớ; hoặc gom mua USD chờ điều chỉnh cũng không phải là khoản đầu tư tồi trong ngắn hạn.
Một số thành viên thị trường cũng có nhìn nhận như vậy. Bản tin hỗ trợ nhà đầu tư của một ngân hàng thương mại vừa công bố có kết luận cụ thể: “Nguyên nhân chính khiến cho tỷ giá tăng mạnh trong các tuần qua là tâm lý bất ổn của thị trường sau khi thống đốc Ngân hàng Nhà Nước đưa ra thông điệp trong điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho xuất khẩu thì tỷ giá có thể thay đổi không quá 2%, điều này đã làm tâm lý nhà đầu tư cũng như các ngân hàng bị ảnh hưởng rất nhiều vì mới đây không lâu, cũng chính Thống đốc tuyên bố tỷ giá sẽ ổn định và không biến động quá 1% trong năm nay”.
Bản tin trên phân tích thêm, điều đó khiến cho tâm lý kỳ vọng việc phá giá USD/VND trong thời gian ngắn tới càng gia tăng và khiến cho các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng ồ ạt mua USD vào.
Và đầu tuần này, một hiện tượng mới đã xuất hiện. Sau một thời gian dài, giá USD mua vào mới thực sự áp sát giá bán ra tại các ngân hàng thương mại, trong khi giá bán ra đã tăng hết mức cho phép. Đến ngày 17/6, chênh lệch giá mua vào - bán ra thấp nhất chỉ còn 26 VND, mức cực hẹp cho thấy sức cầu tăng lên từ chính các ngân hàng thương mại.
Cũng theo thông tin từ một thành viên thị trường, hiện một số ngân hàng đã nâng trạng thái ngoại tệ dương lên với mức giá trên 21.200 VND. Nếu tỷ giá hạ nhiệt nhanh và mạnh thì khả năng lỗ dễ xảy ra nếu không kịp “chuyền bóng”. Đây cũng là một yếu tố khiến tỷ giá khó hạ nhiệt nhanh.
Niềm tin VND bị thử thách
Không phải ngẫu nhiên khi đi cùng với biến động của tỷ giá là lãi suất huy động VND giảm ở các kỳ hạn ngắn tại một số ngân hàng thương mại. Một lần nữa, tình trạng dư thừa tiền đồng trong hệ thống lại gây áp lực lên tỷ giá, hay giá trị và niềm tin vào VND bị ảnh hưởng.
Nút thắt của tình trạng trên là tín dụng vẫn chưa được tháo gỡ. Đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm mới chỉ được 1,31%. Là quy luật, tiền nhiều và ứ đọng thì giá trị bị giảm. Thêm nữa, tiền đồng nhiều mà thiếu kênh đầu ra, nhà băng đẩy nó vào đầu tư ngoại tệ cũng là một cách, nhất là khi có tâm lý đón đợi khả năng điều chỉnh tỷ giá. Việc một số thành viên nâng trạng thái ngoại tệ dương như đề cập ở trên là đáng chú ý.
Tình trạng trên có thể sẽ càng nặng nề hơn, khi một lượng lớn tiền đồng từ kênh trái phiếu và tín phiếu được tính toán là đang đến thời điểm đáo hạn. Điều này cũng giúp lý giải về tin đồn xuất hiện ở tuần trước, khả năng Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tung thêm tiền ra thị trường là nghịch lý.
Và điều này cũng lý giải vì sao cho đến thời điểm này, qua các thông tin cập nhật gần đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa “nhả” vốn cho các nhà băng qua kênh tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC - một trong những quyền lợi khi bán lại nợ xấu. Hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu VAMC nếu “nhả” ra chắc chắn sẽ càng dồn thêm áp lực cho tình trạng dư thừa tiền, giá trị và niềm tin vào VND.
Với vấn đề tỷ giá, căng thẳng hiện nay chỉ là ngắn hạn. Bởi các cân đối vĩ mô đều ủng hộ hướng bình ổn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đặc biệt là sức mạnh của dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại thặng dư lớn, các nguồn kiều hối và FDI vẫn chảy về khá mạnh…
Để can thiệp và tránh áp lực giá mua vào USD đã áp sát giá bán ra như hiện nay (một tiền đề dễ làm tái sinh tình trạng hai giá trong lòng ngân hàng, hay việc lách trần tỷ giá bằng các chiêu thức khác nhau), biện pháp đầu tiên và trực tiếp nhất là Ngân hàng Nhà nước có thể bán ra ngoại tệ bình ổn cầu; tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng để triệt tiêu bớt kỳ vọng trên thị trường; căn cơ hơn cả vẫn là làm sao để thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng - giải phóng đầu ra cho dòng vốn VND tù đọng.
Và không chừng, nếu không tăng được tín dụng, các ngân hàng do dư thừa tiền đồng mà làm liều với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tăng dự trữ bắt buộc để “đóng băng” bớt vốn, dù giải pháp này là cực chẳng đã và khó xẩy ra.