Vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại với các nước CPTPP

Theo thuongtruong.com.vn

Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với 7/10 nền kinh tế thành viên CPTPP đã đạt mức tỷ đô.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago ngày 8/3.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago ngày 8/3.

Dù chỉ có 10 đối tác thương mại nhưng tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt hơn 67,33 tỷ USD vào năm 2017, chiếm 15,84% tổng trị giá kim ngạch XNK của cả nước trong năm ngoái.

Tính bình quân, với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, năm 2017, nước ta đạt bình quân kim ngạch trên 2 tỷ USD mỗi thị trường.

Trong khi đó, nếu tính riêng các thành viên CPTPP, mức kim ngạch bình quân đạt hơn 6,7 tỷ USD/thị trường, tương đương gần 3,5 lần mức bình quân chung cả nước.

Dù những dữ liệu, so sánh nêu trên mới ở mức tương đối và số học, nhưng cũng cho thấy phần nào tầm quan trọng của CPTPP trong hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta.

Vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại với các nước CPTPP - Ảnh 1
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP hết tháng 9/2018.

Thêm một điểm đáng chú ý, Việt Nam đạt được mức thặng dư  thương mại với hầu hết các đối tác. Chỉ 3 bạn hàng Việt Nam bị thâm hụt thương mại và cả 3 quốc gia đều nằm ở khu vực Đông Nam Á là Singapore (thâm hụt  hơn 2,33 tỷ USD); Malaysia (thâm hụt hơn 1,65 tỷ USD) và Brunei (thâm hụt hơn 13 triệu USD).

Trong số 10 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ 4 trong tổng số các bạn hàng của nước ta trên toàn thế giới (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ).

Năm 2017 ghi nhận kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt hơn 33,4 tỷ USD. Trong đó Việt Nam đạt được thặng dư thương mại khoảng 250 triệu USD.

Ngoài Nhật Bản, năm 2017, Việt Nam còn nhiều đối tác “tỷ USD” khác là thành viên CPTPPP như: Malaysia (xuất khẩu đạt 4,209 tỷ USD, nhập khẩu 5,86 tỷ USD); Singapore (xuất khẩu đạt 2,961 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,3 tỷ USD); Australia (xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,16 tỷ USD); Canada (xuất khẩu 2,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 774 triệu USD); Mexico (xuất khẩu 2,34 tỷ USD, nhập khẩu đạt 567 triệu USD); Chi Lê ( xuất khẩu 1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 283 triệu USD).

Rõ ràng, với nền kinh tế đang chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, với những ưu đãi về thuế quan và sự thông thoáng trong các hàng rào kỹ thuật, CPTPP sẽ mang lại những cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp XNK ở Việt Nam (gồm cả cả doanh nghiệp trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).