Việt Nam cam kết đồng hành cùng quốc tế bảo vệ đại dương xanh
Mục tiêu gìn giữ đại dương xanh, môi trường sinh tồn của nhân loại chỉ có được khi hòa bình, ổn định và hợp tác lan tỏa trên các vùng biển.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vừa được tổ chức tại Canada.
Hội nghị với chủ đề "Đại dương - không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển" của G7 năm nay thực sự có ý nghĩa khi Việt Nam vừa trải qua nhiều hoạt động nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ 01 – 8/6, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8/6.
Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng vấn đề ô nhiễm và khai thác thiếu bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển, đại dương và xác định đây là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển; Đồng thời, Hội nghị cũng kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương, hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa... "Với sự chung tay hành động ngay từ bây giờ của các quốc gia để các đại dương mãi xanh, đầy ắp tôm cá và không còn phế thải nhựa, như là một di sản tốt đẹp cho các thế hệ mai sau".
Nhấn mạnh vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam coi phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển với quan điểm: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích năng lượng sạch, các dự án tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm để có các vùng biển xanh, khỏe mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu đại dương xanh chỉ có thể đạt được khi môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác được gìn giữ và lan tỏa trên các đại dương. Thủ tướng hoan nghênh các nước G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải... đang là những thách thức hiện hữu đe dọa toàn cầu.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Công.
Việt Nam đã và đang thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.
Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực hành động cùng quốc tế trong chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực đều vì hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng giữa các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh hành động của Chính phủ, cần có sự chung tay hành động từ chính mỗi con người. Bảo vệ biển và hải đảo là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân.
Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn tự ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững. Bảo vệ môi trường biển cũng không ngoại lệ. Cam kết và hành động của mỗi quốc gia thành công hay thất bại đến từ hành động của mỗi cá nhân.