Việt Nam cũng phải "đối phó" khi đồng ruble mất giá
(Tài chính) Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo, đồng ruble Nga nếu tiếp tục sụt giảm sẽ gây rối loạn đến thị trường tài chính quốc tế và sẽ không có ai được lợi trong bối cảnh này. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ!
Nỗ lực cứu vãn đồng ruble
Từ đầu năm đến nay, đồng ruble Nga đã mất hơn 50% giá trị so với USD mà nguyên nhân chủ yếu là do các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU và Mỹ, cộng thêm sự sụt giảm của giá dầu thô – nguồn thu ngoại tệ chính của Nga.
Trước sự rớt giá liên tục của đồng bản tệ, các nhà chức trách Nga đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để vực dậy các ngân hàng và chặn đà giảm giá của đồng ruble kết hợp với động thái giá dầu thô đã tăng 3 USD lên mức 63USD/thùng mới đây đã “hãm” được tình trạng rơi tự do của đồng bản tệ và đưa tỷ giá đồng ruble tăng hơn 10%. Vào cuối ngày 17/12, 1 USD đã đổi được khoảng 60 ruble trong khi phiên giao dịch ngày 16/12 trước đó, có thời điểm 1 USD đổi tới 80 ruble.
Mặc dù vậy, đồng ruble đã mất giá quá nhiều so với đồng USD. Giới phân tích cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để nói đồng ruble đã thoát khỏi xu hướng mất giá bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn tiếp tục duy trì và giá dầu được dự báo còn biến động trong thời gian tới.
Tác động nhiều mặt tới Việt Nam
Sự mất giá của đồng ruble được các chuyên gia nhận định sẽ ít nhiều có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam thông qua thương mại. Có ý kiến cho rằng, đồng ruble mất giá so với USD sẽ có lợi cho nhập khẩu của Việt Nam bởi hàng hóa của Nga xuất khẩu sang Việt Nam sẽ thanh toán bằng USD, do vậy, cùng một số tiền để nhập khẩu hàng hóa từ Nga trước đây thì hiện nay số tiền ấy sẽ nhập được nhiều hơn rất nhiều lượng hàng hóa so với thời gian trước khi mất giá.
Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Nga nhiều hơn là nhập khẩu từ thị trường này. Hiện nay, Nga là một thị trường xuất khẩu khá quan trọng của Việt Nam với gần 2 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Do vậy, tình trạng mất giá kéo dài cũng sẽ khiến giá thành các mặt hàng mà Nga nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tăng cao và đồng nghĩa với lượng tiêu thụ cũng sẽ giảm. Từ đó, các doanh nghiệp nhập khẩu Nga cũng sẽ suy xét cắt giảm việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài trong đó có Việt Nam. Không những thế, đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp Nga về giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, một thách thức khác được đặt ra đó là những tác động bất lợi có thể xẩy ra với Việt Nam khi nhiều đồng tiền của những quốc gia lân bang, có quan hệ chặt chẽ với Nga đồng thời cũng là đối tác thương mại của Việt Nam cũng sẽ bị mất giá theo. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định mậu dịch tự do (FTA), mở cửa cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam thì đây là thách thức không nhỏ với các sản phẩm nội địa.
Thậm chí, nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam.
Doanh nghiệp phải thận trọng
Trước những thách thức đó, TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần phải xem xét thận trọng hơn đối với việc kinh doanh hiện nay. Cần phải quy định rõ ràng trong hợp đồng là sẽ thanh toán như thế nào? bằng đồng rúp hay bằng USD? Biện pháp lâu dài và an toàn cũng được đưa ra đó tìm cách đa dạng hóa thị trường đúng với lý thuyết “không đặt trứng vào mọt dỏ”.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Chí Tâm, Nguyên Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho rằng, để tận dụng được cơ hội giao thương với Nga trong bối cảnh Nga bị các đối tác như EU và Mỹ… cấm vận và đồng ruble mất giá như hiện nay thì DN Việt Nam phải đoàn kết thành một khối thống nhất. Khi đó, các DN xuất khẩu sẽ bắt tay với các DN nhập khẩu để trao đổi đồng tiền trong các giao dịch thanh toán và khi các DN Việt đac tạo thành được chuỗi thanh toán theo mô hình Hàng – Tiền – Hàng này thì sẽ giảm thiểu tối đa được nguy cơ bất lợi từ sự mất ổn định của giá trị đồng ruble, đồng thời vẫn duy trì và phát triển được thị trường.