Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO
Việt Nam vừa vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đây là sự ghi nhận đối với những đóng góp tích cực của Việt Nam trong tổ chức UNESCO. Với trọng trách mới này, lần đầu tiên nước ta cùng một lúc đảm nhận vai trò tại 4 cơ chế then chốt của UNESCO (thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể).
Như vậy, Việt Nam có điều kiện trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành, định hình các chính sách, quyết định quan trọng của UNESCO.
Ngày 8/11/2021, chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân tại Pháp về tin vui này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: "Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả, và đặc biệt là nâng cao vai trò của đối ngoại đa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng như là Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư."
Qua sự kiện này, có thể thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Các quốc gia tiếp tục thể hiện sự ủng hộ và trông cậy đối với Việt Nam, đánh giá rất cao khả năng điều hành và sự đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, và đặc biệt là những đóng góp của Việt Nam tại UNESCO.
Với cương vị này, Việt Nam đảm nhiệm trách nhiệm kép, đóng góp vào những quan tâm chung của UNESCO trên 5 lĩnh vực, bao gồm giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tranh thủ các chương trình, kế hoạch, sáng kiến của UNESCO để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khai mạc ngày 7/11/2023 tại Trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp, với sự tham gia của đại diện 194 nước thành viên, 12 nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, làm Trưởng đoàn, đã tham dự kỳ họp. Tham gia đoàn Việt Nam tại kỳ họp có bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng đại diện Ban thư ký Ủy ban Quốc gia Việt Nam, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và một số bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại Phiên toàn thể các nhà lãnh đạo về chính sách chung của Đại hội đồng UNESCO vào ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh sứ mệnh “duy trì hòa bình trong tâm trí con người” của UNESCO, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, xung đột leo thang…
Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Tổng Giám đốc và Ban Thư ký UNESCO với những thành quả đã đạt được trong ứng phó với đại dịch và tái định vị một cách chiến lược UNESCO trong tương lai.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh những chương trình, hoạt động lớn trên các lĩnh vực mà UNESCO đã triển khai trong 2 năm qua trên các lĩnh vực thẩm quyền của UNESCO, trong đó có sự tham gia đóng góp của Việt Nam với một số hoạt động nổi bật như Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới, Hội nghị quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam…
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, Trợ lý Tổng Giám đốc về Đối ngoại, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Tổng Giám đốc ICOMOS và Trưởng đoàn một số quốc gia để thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương và đa phương.
Trong các cuộc trao đổi, các lãnh đạo UNESCO đều bày tỏ tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Tổ chức UNESCO và cảm ơn sự đóng góp ngày càng lớn của Việt Nam trong triển khai thực hiện các hoạt động trên các lĩnh vực của UNESCO cũng như vai trò quan trọng, trách nhiệm tại các cơ chế then chốt của tổ chức này.
Lãnh đạo UNESCO mong Việt Nam sẽ ứng cử thành công để trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Lãnh đạo và Ban Thư ký UNESCO chúc mừng các hồ sơ của Việt Nam mới được ghi danh như: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, 2 thành phố Hội An và Đà Lạt là thành phố sáng tạo, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Con Moong, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ...
Lãnh đạo và Ban Thư ký UNESCO cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, đặc biệt là Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
Đại hội đồng lần này cũng sẽ xem xét danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.
Trước thềm Đại hội đồng, vào ngày 6/11/2023, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Đêm văn hóa Việt Nam với chủ đề “Sắc màu Việt: Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện do Phái đoàn thường trực Việt Nam tại UNESCO và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Trụ sở UNESCO.
Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu, gần 200 khách mời là Trưởng đoàn, Đại sứ các nước và bạn bè quốc tế đã hết sức ấn tượng với vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam qua triển lãm các di sản được UNESCO ghi danh, hòa mình với những làn điệu dân ca ba miền, những âm thanh từ nhạc cụ tiêu biểu, thế võ ấn tượng của Vovinam, điệu múa đẹp mắt của Lân sư rồng và ẩm thực Việt Nam.
Đại hội đồng UNESCO diễn ra 2 năm 1 lần, quyết định các vấn đề mang tính chiến lược, đường lối của Tổ chức. Kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO sẽ thông qua Chương trình và Ngân sách giai đoạn 2024-2025, Chiến lược quản lý nguồn nhân lực giai đoạn 2023-2027, Chiến lược hoạt động của UNESCO dành cho các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển cũng như thảo luận nhiều vấn đề cấp bách hiện nay góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững. Kỳ họp sẽ bầu 31 thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO và thành viên của 12 cơ quan chuyên môn quan trọng nhiệm kỳ 2023-2027.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, UNESCO là một thực thể thống nhất trong đa dạng dựa trên những nguyên tắc và giá trị cơ bản và đặc biệt đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương nhất là trong bối cảnh khi các xung đột và thách thức ngày càng gia tăng.