Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Sắt thép nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 50% tổng lượng nhập khẩu của cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại trên cả nước tới 15/4 đạt 4.441.191 tấn trị giá 3,239 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 10,36% về lượng và tăng 32,48% về kim ngạch. 

Nhập khẩu sắt thép tăng mạnh    

Trong quý I/2021, cả nước nhập khẩu trên 3,68 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương 2,65 tỷ USD, giá trung bình đạt 719,7 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với quý 1/2020 với mức tăng tương ứng 11,2%, 32,2% và 18,9%.

Riêng tháng 3/2021, nhập khẩu 1,43 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,08 tỷ USD, giá trung bình 756,3 USD/tấn, tăng 39,4% về lượng, tăng 49,2% về kim ngạch, tăng 7% về giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 7%, 32% và 23% .

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thép lớn trên thế giới và cũng là thị trường có điều kiện địa lý thuận lợi với Việt Nam, nên việc nhập khẩu sắt thép các loại có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 50%, với 1,88 triệu tấn, tương đương 1,27 tỷ USD, giá 675,2 USD/tấn, tăng mạnh 102% về lượng, tăng 120,7% về kim ngạch, tăng 9% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo một chuyên gia, ngoài việc được biết đến là thị trường xuất khẩu lớn thì trong năm 2020, Trung Quốc cũng đã nhập khẩu 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019, do chính sách về bảo vệ môi trường và kiểm soát giảm mức độ ô nhiễm do các nhà máy thép trong nước gây ra.

Việc cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc trong khi đẩy mạnh giải ngân đầu tư công từ năm 2021 làm giá thành sản xuất thép tiếp tục duy trì ở mức cao, đẩy giá xuất khẩu thép từ Trung Quốc tăng lên.

Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 508.616 tấn, tương đương 369,24 triệu USD, giá nhập khẩu 726 USD/tấn, giảm 16,9% về lượng nhưng tăng 3% về kim ngạch, tăng 24% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 14% trong tổng lượng và trong tổng kim ngạch.

Thị trường Hàn Quốc đạt 398.366 tấn, trị giá 359,39 triệu USD, giá 902,2 USD/tấn, giảm 18,4% về lượng, nhưng tăng 2,8% về kim ngạch và tăng 26% về giá so với 3 tháng đầu năm 2020, chiếm 10,8% trong tổng lượng và chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Nhập khẩu thép các loại trong 3 tháng đầu năm 2021

Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 1
Nguồn VITIC
Nguồn VITIC

Đông Nam Á - thị trường xuất khẩu số 1 của thép Việt Nam

Ở chiều ngược lại từ ngày 1/1 đến 15/4/2021 cả nước xuất khẩu 3,318 triệu tấn sắt thép các loại, với kim ngạch hơn 2,319 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 2,92 triệu tấn, thu về trên 2,04 tỷ USD, giá trung bình  699,2 USD/tấn, tăng 47% về lượng, tăng 85% kim ngạch và tăng 26% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2021 cả nước xuất khẩu trên 1,23 triệu tấn sắt thép, thu về 899,23 triệu USD, giá trung bình 730,7 USD/tấn, tăng 64,6% về lượng, tăng 66,4% về kim ngạch và tăng 1,2% về giá so với tháng 2/2021.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 40,4% trong tổng lượng và chiếm 39,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 802,2 triệu USD, giá trung bình 679,9 USD/tấn, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 25,3% về kim ngạch và tăng 26% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là thị trường EU chiếm trên 16,8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 410.994 tấn, tương đương 342,65 triệu USD, giá 833,7 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 550,4%, 613,2% và 9,7%.

Tiếp đến thị trường Trung Quốc chiếm 19,6% trong tổng lượng và chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch, đạt 571.587 tấn, tương đương 298,83 triệu USD, giá 522,8 USD/tấn, tăng 88% về lượng, tăng 135,9% kim ngạch và tăng 25,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay giá thép trong nước đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019 và 2020, và có nhiều dự báo diễn biến giá thép trong năm 2021 sẽ có nhiều biến đổi và theo xu hướng tăng.

Năm 2021, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, vì vậy nhu cầu sắt thép trong xây dựng cũng sẽ tăng mạnh. Ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ đồng loạt triển khai các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam cũng như một số đường cao tốc khác trên cả nước. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập mặt bằng giá mới mức giá sẽ được thiết lập và điều chỉnh theo quan hệ cung-cầu.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong thời gian vừa qua giá thép tăng mạnh và có nhiều dự báo giá thép có thể tăng hết quý III/2021. Nguyên nhân giá thép tăng mạnh là do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép vẫn trong xu hướng tăng mạnh so với đầu năm trên thị trường trong nước và thế giới.

“Sau dịch Covid -19 nền kinh tế toàn cầu sẽ dần hồi phục và dự báo nhu cầu thép thế giới tăng gần 5%, tương đương 1,83 tỷ tấn vào năm 2021, trong khi đó, nguồn cung trên thế giới lại khan hiếm sẽ đẩy giá thép tăng cao giúp doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thép tăng trưởng tốt”, một chuyên gia cho biết.