Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra?

Theo Như Quỳnh/kinhtevadubao.vn

Nhà đầu cơ huyền thoại, tỷ phú George Soros lo ngại rằng “một cuộc khủng hoảng tài chính lớn” nữa có thể sắp xảy ra. Và nếu như vậy, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi nằm trong vùng ảnh hưởng.

 Theo ông Soros: “Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nữa” . Nguồn: Internet
Theo ông Soros: “Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nữa” . Nguồn: Internet

Nguy cơ hiện hữu

Phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Paris ngày 29/5, ông Soros nói rằng phong trào chống lại Liên minh châu Âu hay còn gọi là “bài Liên minh châu Âu (EU)” gia tăng, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng USD tăng giá mạnh, và việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi đang là những vấn đề gây ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế toàn cầu.

“Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nữa”, ông Soros nói.

Nhấn mạnh rằng sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu là một vấn đề lớn, ông Soros phát biểu: “EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn. Tất cả mọi thứ có thể đi lệch hướng đều đã đi lệch hướng”.

Theo vị tỷ phú này, từ năm 2008, chương trình thắt lưng buộc bụng của EU đã góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay của châu Âu (Eurozone). Chương trình này là nguyên nhân khiến các phong trào bài EU gia tăng, một phần dẫn tới việc Anh rút khỏi EU (Brexit) và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Italy.

Ông lập luận rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, các phong trào ly khai lãnh thổ mạnh lên sau Brexit và chính sách thắt lưng buộc bụng chính là ba thách thức lớn nhất mà châu Âu đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, ông Soros cũng lo ngại về quan hệ rạn nứt ngày càng lớn giữa châu Âu và Mỹ trong vấn đề Iran. Theo ông, quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Tổng thống Donald Trump về bản chất đã phá hủy mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương này.

Ông Soros dự báo rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran “chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu và gây ra những ly khai lãnh thổ khác” và nói rằng "sức mạnh của đồng USD đã kéo theo sự tháo chạy khỏi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi".

Đây không phải lần đầu tiên có dự báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về Bảo hiểm tiền gửi diễn ra vào ngày 16/2/2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cảnh báo, lãi suất thấp tại các tổ chức tài chính hiện nay có thể đang tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của Thống đốc BoJ về nhược điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đang theo đuổi.

Theo phân tích của ông Kuroda, mặc dù động thái giới hạn lãi suất là rất cần thiết để tăng trưởng phục hồi, nhưng lãi suất giảm đã tác động tới lợi nhuận của các tổ chức tín dụng do biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Còn Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu kể từ cuối 2015 đến 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ nợ và các hệ thống tài chính toàn cầu sẽ khó tránh được nguy cơ khủng hoảng lan rộng. Theo cảnh báo của IMF, BIS (Ngân hàng Thanh toán Thế giới), WB (Ngân hàng Thế giới) và nhiều tổ chức khác, hệ thống tài chính toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng như giai đoạn 2008-2009, mà nguyên nhân và kịch bản của khủng hoảng này có phần như lặp lại. Đúng hơn, mồi lửa nhóm lên những lo ngại lại có vẻ giống nhau, đều mang một tên gọi chung là “Nợ khủng”.

Ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?

Từ kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam đã chịu không ít ảnh hưởng.

Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bị chậm lại và mọi tầng lớp dân cư của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng, trong đó tầng lớp công nhân lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp. Sản xuất bị thu hẹp, số người thất nghiệp sẽ tăng, thu nhập bị giảm sút.

Và nếu thực sự một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới nữa xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu về 2 mặt: hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn và nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài sẽ bị gián đoạn.

Tại Việt Nam, phần lớn hoạt động sản xuất phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì các thị trường lớn, như : Mỹ, EU là những thị trường truyền thống nhập  khẩu  hàng sản xuất từ Việt Nam bị khủng hoảng, do mức sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, đòi hỏi người dân phải cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, mức độ mua hàng giảm, nhu cầu thanh toán yếu... Vì  vậy, Việt Nam là một trong những nước ảnh hưởng  nặng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Khủng hoảng tài chính thế giới có thể khiến dòng đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam suy giảm vì những lo ngại về bất ổn kinh tế và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.