Việt Nam xếp thứ 7 trong 10 nền kinh tế hàng đầu APEC về thu hút đầu tư

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) 67% CEO có kế hoạch tăng đầu tư vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 12 tháng tới. Trong đó Việt Nam xếp thứ 7 trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu APEC được tăng cường đầu tư và thứ 6 trong 10 điểm đến hàng đầu của các nguồn vốn tư nhân.

Việt Nam xếp thứ 7 trong 10 nền kinh tế hàng đầu APEC về thu hút đầu tư
PwC Việt Nam nhận thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang tiếp tục chảy vào Việt Nam. Nguồn: internet

45% CEO lựa chọn tăng cường đầu tư vào Việt Nam

PwC vừa công bố kết quả nghiên cứu mang tên “Tầm nhìn mới cho Châu Á – Thái Bình Dương: Kết nối tạo nền tảng mới cho tăng trưởng” đã khảo sát quan điểm của hơn 600 lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh trong khu vực.

Kết quả khảo sát của PwC cho biết, 67% các giám đốc điều hành có kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực APEC trong 12 tháng tới. Kế hoạch của họ được trải rộng trong 21 nền kinh tế thành viên APEC bao gồm các quốc gia thu hút đầu tư phổ biến như Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Hồng Công – Trung Quốc, và Singapore. Việt Nam xếp thứ 7 trong 10 nền kinh tế hàng đầu APEC sẽ được tăng cường đầu tư với 45% CEO lựa chọn.

“PwC Việt Nam nhận thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang tiếp tục chảy vào Việt Nam. Khoản đầu tư này được rót chủ yếu vào các ngành sản xuất bởi Việt Nam tiếp tục được xem là quốc gia có môi trường ổn định, chi phí thấp với nguồn cung lao động dồi dào.

Nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nhưng chúng tôi nhận thấy sự quan tâm từ các nhà đầu tư Đông Nam Á cũng đang ngày càng tăng trong vòng 2 – 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đầu tư vào bất động sản đã tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường” – Ông Stephen Gaskill, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách mảng Dịch vụ Tư vấn của PwC Việt Nam, chia sẻ.

Đầu tư vốn là một phần của kế hoạch; 57% giám đốc điều hành chia sẻ họ đang xây dựng hoặc mở rộng đầu tư trang thiết bị ở các nền kinh tế APEC trong vòng 3 đến 5 năm tới, trong đó 15% lựa chọn đầu tư vốn vào Việt Nam, giúp Việt Nam giành vị trí thứ 6 trong 10 điểm thu hút đầu tư hàng đầu của dòng vốn tư nhân. Đa số các giám đốc điều hành cũng có kế hoạch tăng tuyển dụng: 38% dự đoán tổng số nhân viên của họ trên toàn thế giới sẽ tăng ít nhất 5% mỗi năm trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Niềm tin về khả năng tăng trưởng kinh tế lên cao

Điểm nổi bật của báo cáo là có tới 46% các lãnh đạo trong khu vực cho rằng họ “rất tin tưởng” vào khả năng tăng trưởng kinh tế trong 12 tháng tới, tăng 10 điểm so với năm 2012 và 4 điểm so với năm ngoái, bất kể tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, nơi được xem là  động cơ kinh tế của khu vực.

Hỗ trợ cho niềm tin này là tầm nhìn cho một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gắn kết hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần, và triển vọng tăng trưởng cân bằng hơn trong khu vực. Ví dụ, gần 60% giám đốc điều hành nói rằng họ sẵn sàng chia sẻ hiểu biết và nguồn lực với các đối tác kinh doanh để đẩy mạnh tốc độ phát triển sản phẩm và tăng khả năng tiếp cận thị trường. Và hơn 40% các giám đốc điều hành cho rằng công ty của họ sẽ tham gia phối hợp kinh doanh đầu tư vào các ngành nghề nằm ngoài lĩnh vực trọng tâm của họ.

“Ngày nay, Châu Á – Thái Bình Dương đang đứng trước một bước ngoặt khi các công nghệ tiên tiến đã vượt qua biên giới quốc gia và tạo ra các nhu cầu mới, thậm chí các ngành nghề mới”, ông Dennis M. Nally, Chủ tịch PricewaterhouseCoopers International Ltd., chia sẻ.

“Các giám đốc điều hành thấy rõ sự cần thiết phải táo bạo phá vỡ các rào cản tăng trưởng. Họ muốn hoàn thiện quan hệ hợp tác xuyên Thái Bình Dương, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ và khuyến khích hòa hợp pháp lý trong khu vực”, ông Dennis M. Nally đánh giá.

Kết quả khảo sát cho thấy những thay đổi do công nghệ số đang có tác động đáng kể trong khu vực; 57% giám đốc điều hành cho biết họ tin tưởng hơn vào khả năng đáp ứng các thay đổi trên thị trường, và một nửa nói họ dự đoán lượng “cầu” tốt hơn. Các CEO này “rất tin tưởng” vào khả năng tăng trưởng (67%), nhiều hơn các đồng nghiệp của họ.

Kết quả khảo sát của PwC cũng cho biết, cạnh tranh trong nước khắc nghiệt, trong khi sự bất ổn định trong các qui định và chính sách thuế tiếp tục là vấn đề. 20% số người trả lời khảo sát cho biết, so với năm ngoái, họ ít tin tưởng hơn vào khả năng của mình trong việc tăng lợi nhuận kinh doanh trong nước. Và 15% cho rằng niềm tin của họ vào việc dự báo về chi phí tuân thủ và nghĩa vụ thuế đã suy giảm.

PwC cũng thông tin rằng, nhiều giám đốc điều hành có công ty hoạt động tại Trung Quốc “rất tin tưởng” vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc (42%), hơn là tin vào sự tăng trưởng của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc (32%).

Tuy vậy, báo cáo của PwC cũng chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp APEC chưa sẵn sàng để tham gia hoàn toàn vào nền kinh tế kỹ thuật số. Chưa đến một nửa (46%) giám đốc điều hành ở Châu Á – Thái Bình Dương tin rằng họ đang thu lợi từ việc đầu tư vào các mạng xã hội. Và khoảng từ 12% đến 22% các doanh nghiệp APEC “rất tin tưởng” vào khả năng này của mạng xã hội.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát này của PwC cũng cho thấy, động lực cho tự do thương mại vẫn tiếp diễn, nhưng với tiến độ chậm. 70% nói APEC đang tiến gần hơn tới một khu vực tự do thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), nhưng hơn một nửa (55%) cho rằng tiến độ đang chậm lại, và 11% đánh giá nó đã bị đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi./.